Thử thách trên con đường nguy hiểm nhất thế giới

Thử thách trên con đường nguy hiểm nhất thế giới
10 giờ trướcBài gốc
Những chuyến đi sinh tử
Một trong số ít tài xế dám chinh phục con đường Killar là anh Anku Rawat, người dân địa phương.
Đường Killar chỉ rộng khoảng 3m, đôi khi khoảng cách giữa bánh xe và vực sâu chỉ vài centimet.
Bất chấp hiểm nguy, mỗi mùa hè, tài xế Anku Rawat đều đặn thực hiện những chuyến hàng vận chuyển nhu yếu phẩm đến ngôi làng xa xôi, biệt lập nằm trong thung lũng Pangi - khu vực bị tuyết phủ và hoàn toàn tách biệt khỏi phần còn lại của Ấn Độ khi mùa đông tới.
Anh Anku sống cùng vợ và con tại làng Palhun, sử dụng xe tải thuê có vô-lăng trợ lực để chinh phục đèo cao.
Trước mỗi chuyến đi, anh đều bắt đầu bằng bữa cơm gia đình ấm cúng, sau đó mang theo tấm chăn dày để phòng rét bất ngờ. Đầu chuyến, anh sẽ ghé kho ở Chamba lấy lúa mì do chính phủ cấp để phân phối tới các vùng sâu vùng xa. Mỗi chuyến xe chỉ được chất đúng trọng tải tối đa 12 tấn vì nếu quá tải một chút cũng có thể khiến xe bị lật.
Đặc biệt, trên đường đi, anh luôn dừng chân tại đền thờ địa phương để thực hiện nghi lễ không thể thiếu trước mỗi chuyến vượt đèo.
Không phải ngẫu nhiên Anku cẩn trọng từng li vì con đường anh di chuyển qua chỉ rộng khoảng 3m, đôi khi khoảng cách giữa bánh xe và vực sâu chỉ còn vài centimet. và không có lan can bảo vệ. Khi gặp xe đối diện, Anku buộc phải lùi hàng trăm mét. Nếu xe leo dốc, tốc độ giảm xuống dưới 15km/h.
Mohammad Nisar Mughal, phụ xe của Anku, liên tục phải xuống xe điều phối khi xe qua những khúc cua mù và dốc đứng. Họ sử dụng còi hơi để báo hiệu trong điều kiện tầm nhìn hạn chế.
Cung đường tử thần
Sau 8 - 9 tiếng lái xe mỗi ngày, Anku và người đồng hành mới dừng lại nhóm lửa nấu ăn. Họ phải cảnh giác cao độ trước thú rừng và trộm cắp, rồi ngủ ngay trong cabin giữa rừng lạnh buốt. Dọc đường có trạm nghỉ nhỏ gọi là "dhaba" để cánh tài xế, du khách nghỉ ngơi nạp năng lượng, nhưng nơi đây cũng phải đóng cửa vì tuyết bắt đầu rơi mạnh từ tháng 10.
Bên trong cabin xe tải chở hàng của Anku Rawat.
Phần nguy hiểm nhất của hành trình là đoạn đèo Sach - ở độ cao gần 4.400m. Đây là một trong những con đèo cao nhất có thể đi được bằng xe tại Himachal Pradesh. Vì không khí loãng nên tài xế không được dừng lại quá 5 phút trên đỉnh.
Hơn nữa, mặt đường này chỉ rộng hơn 2,5m nên Anku phải bẻ lái chính xác đến từng centimet. Để vượt đoạn đường dài hơn 14km, tài xế mất khoảng 3 - 4 giờ.
Vì quãng đường trúc trắc, khó khăn nên dù cả con đường Killar chỉ dài hơn 170km nhưng để đi hết quãng đường, các tài xế như Anku phải mất tới 2 hoặc 3 ngày và trên xe lúc nào cũng phải có thêm nhiên liệu dự phòng do nơi đây không có trạm xăng.
Nỗi lo về sự sống còn
Killar từng chỉ là một con đường mòn do người chăn cừu và thương nhân đục dọc sườn núi để đến thung lũng Pangi. Tuyến đường đi qua hai huyện hẻo lánh thuộc Jammu và Kashmir, nối thung lũng huyền thoại Pangi - nơi ẩn mình giữa dãy núi Pir Panjal và Zanskar của dãy Himalaya phía Tây - với thế giới bên ngoài.
Xe tải do Anku Rawat điều khiển trên con đường tử thần Killar.
Vào tháng 11 hằng năm, thời tiết rất thất thường, tuyết rơi có thể khiến thung lũng Pangi bị cô lập hoàn toàn trong nhiều tháng.
Theo truyền thuyết địa phương, người dân Chamba đã trốn chạy khỏi đế quốc Mughal và định cư tại thung lũng Pangi hẻo lánh. Các gia đình quý tộc đưa phụ nữ và trẻ em đến sống ở đây để tránh loạn lạc.
Khi thung lũng nằm dưới quyền cai trị của Vương quốc Chamba vào thế kỷ XVI, các quan chức được bổ nhiệm đến đây đều được cấp "trợ cấp mai táng" vì được xem như sẽ không thể trở về. Một truyền thuyết khác kể rằng, nhà vua Chamba từng lưu đày tội phạm đến đây để thụ án chung thân.
Ngày nay, Killar trở thành tuyến vận tải chính cho người dân địa phương, khách du lịch ưa mạo hiểm và các tài xế như Anku tranh thủ mùa hè khi con đường chưa bị tuyết chặn để vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thuốc men vào khu vực Pansir.
Lở đất và tuyết rơi làm mặt đường liên tục hư hỏng. Chính quyền địa phương phải thuê đơn vị tư nhân sửa chữa.
Quay trở lại câu chuyện của tài xế Anku, dù công việc vất vả nhưng thu nhập của anh chỉ khoảng 10.000 rupee/tháng (~120 USD), tương đương 4 USD/ngày - đủ để mua vài cân gạo và đậu.
Nếu làm tài xế riêng ở Delhi hay Bombay, anh có thể kiếm gấp 2,5 lần nhưng Anku chọn gắn bó với núi non quê hương và chia sẻ vẻ đẹp ấy qua vlog cá nhân với hơn 50.000 người theo dõi trên YouTube.
Khi đến Pangi Valley, Anku giao hàng tại kho dự trữ mùa đông của chính phủ - nơi hàng hóa được bán lại cho dân cư với giá trợ cấp. Mỗi năm, Anku thực hiện hơn 200 chuyến xe như vậy.
Trên đường quay về, Anku dừng chân thăm tộc du mục Gujjar quen thuộc, uống một chén trà giữa trời cao. Anh thừa nhận, lái xe giữa núi rừng đã trở thành bản sắc của mình.
Tuy chiếc vô-lăng nặng nhọc đang bào mòn sức khỏe và tuổi trẻ của anh nhưng điều khiến Anku vẫn tiếp tục là tình yêu dành cho những đỉnh núi phủ mây và một hy vọng giản dị: Một ngày nào đó, anh có thể tận hưởng vẻ đẹp ấy mà không phải luôn canh cánh nỗi lo về sự sống còn.
Bất chấp việc những tài xế qua đây đều phải có kỹ năng dày dặn, nguy hiểm vẫn luôn rình rập. Năm 2022, một chiếc Jeep lao xuống vực khiến 5 người thiệt mạng. Chỉ một năm sau, một vụ sạt lở đất trên tuyến đường xảy ra khiến 7 người chết.
Trang Trần
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/thu-thach-tren-con-duong-nguy-hiem-nhat-the-gioi-192250709153317644.htm