Ngày 16-5, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên năm 2025.
Bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết thời gian gần đây, hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên tích cực, chủ động tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa. Số lượng học sinh, sinh viên vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có xu hướng tăng; chất lượng đào tạo từng bước được nâng cao.
Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên được sắp xếp, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Giáo dục nghề nghiệp đã bước đầu đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: TUỆ LÂM
Tính đến tháng 12-2024, cả nước có 1.886 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 399 trường cao đẳng, 429 trường trung cấp.
Năm 2024, khối trường này tuyển được 2,43 triệu người học. Trong đó, nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ chiếm 46%, tập trung vào các ngành: Công nghệ ô tô, công nghệ điện, công nghệ thông tin.
Nhóm ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12%, tăng 4% so với năm 2023 nhờ đẩy mạnh đào tạo nông nghiệp công nghệ cao.
Nhóm ngành y dược, chăm sóc sức khỏe chiếm 10%, có xu hướng tăng do già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bộ GD&ĐT đánh giá các ngành, nghề có kết quả tuyển sinh cao tập trung chủ yếu vào các ngành, nghề có nhu cầu sử dụng lao động cao trong xã hội như: Kỹ thuật công nghệ, công nghệ thông tin; du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn...
Trong thời gian tới, các ngành nghề mới nổi sẽ tiếp tục chiếm xu hướng, như: Công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, kỹ thuật cơ điện tử, tự động hóa, sản xuất thông minh, du lịch xanh, nông nghiệp hữu cơ, logistics và y tế công cộng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng chỉ ra một số tồn tại và khó khăn trong công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên như: Nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên chưa thực sự đúng đắn và đầy đủ; nhiều học sinh, phụ huynh vẫn có tâm lý coi trọng bằng cấp đại học.
Công tác tuyển sinh còn chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; chất lượng đào tạo giữa các cơ sở vẫn có sự chênh lệch. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề cao.
Nhiều định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng hệ thống thông tin tích hợp và ban hành quy chế tuyển sinh thống nhất trên toàn quốc, bảo đảm công bằng, minh bạch, thuận tiện.
Các cơ sở cần đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông tuyển sinh và hướng nghiệp, ứng dụng công nghệ số, mạng xã hội để tiếp cận người học. Các trường cần linh hoạt trong hình thức xét tuyển, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền; đồng thời đẩy mạnh số hóa toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ đăng ký, xét tuyển đến nhập học.
Các cơ sở đào tạo cần đổi mới công tác truyền thông tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Ảnh minh họa: ICC
Chương trình đào tạo cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng phát triển năng lực nghề nghiệp, kỹ năng mềm, kỹ năng số; tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học; đa dạng phương thức đào tạo ứng dụng công nghệ để thúc đẩy học tập suốt đời. Cạnh đó, cần thúc đẩy hình thức đào tạo kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp.
"Việc học sinh, sinh viên được thực hành tại doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao kỹ năng, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu việc làm sau tốt nghiệp", ông Sơn nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề trong các dự thảo Luật sửa đổi trình Quốc hội năm 2025.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng đề nghị các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chú trọng công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS và THPT, tổ chức các hoạt động kết nối giữa học sinh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.
THANH THANH