Thứ trưởng Bộ Y tế: Kinh nghiệm chống dịch sởi của TP.HCM là bài học cho nhiều địa phương

Thứ trưởng Bộ Y tế: Kinh nghiệm chống dịch sởi của TP.HCM là bài học cho nhiều địa phương
3 ngày trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã nhấn mạnh như trên tại buổi kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào hôm nay (28.3).
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (bìa trái) kiểm tra công tác thu dung, điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vào sáng nay (28.3) - Ảnh: PV
Theo Bệnh viện Nhi đồng 1, trong 3 tháng đầu năm 2025, bệnh viện này ghi nhận 1.520 ca sởi nhập viện, với 229 ca nặng. Trong đó, có 473 ca bệnh của TP.HCM và 1.047 ca bệnh tới từ các tỉnh lân cận. Có tới 40% ca bệnh dưới 9 tháng tuổi và 83% bệnh nhân nặng chưa tiêm đầy đủ vắc xin.
Phân tích của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy, phần lớn các bệnh nhi mắc sởi nặng đều chưa tiêm ngừa vắc xin sởi.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2025, tại Khoa Hồi sức - Nhiễm, nơi điều trị các ca sởi rất nặng, ghi nhận 99 bệnh nhi mắc sởi rất nặng phải điều trị. Trong đó, bệnh nhi đã ngừa sởi 1 mũi chiếm 8,1%; ngừa sởi 2 mũi chiếm 2%; chưa chích ngừa mũi sởi nào chiếm hơn 83%.
Để đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh sởi, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập ban chỉ đạo chống dịch; lên 3 phương án tương ứng với từng tình huống, quy mô dịch, triển khai khu cách ly; phân luồng tiếp nhận bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng nhân sự, vật tư trang thiết bị, thuốc, dịch truyền…; thành lập các đội cơ động chống dịch 24/24…
Bác sĩ Lê Hồng Nga - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, từ đầu đợt dịch tới nay bệnh nhân mắc sởi tại TP là 8.087 ca, và 12.269 ca sởi tới từ các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, hiện số ca mắc sởi của TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng đang bắt đầu giảm. Tuần 12 năm 2025, TP ghi nhận có 56/273 phường, xã không có ca bệnh sởi liên tiếp 21 ngày. Chiều qua (27.3), UBND TP.HCM đã công bố quyết định hết dịch cho 22 phường, xã của thành phố.
“Để kiểm soát dịch sởi sớm cần phải công bố dịch kịp thời, vì đây là cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ kế hoạch chống dịch sởi. Cần chủ động bảo vệ các ca nguy cơ để giảm ca nặng và tử vong. Quản lý đối tượng tiêm chủng phải có sự cập nhật từ địa bàn. Nhiều trẻ lỡ cơ hội tiêm chủng vì phụ huynh không nhớ rõ đã được tiêm chủng hay chưa”, bà Nga nói.
Theo thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, hiện nay một số tỉnh phía bắc bệnh sởi đang gia tăng thì TP.HCM và các tỉnh phía nam bệnh sởi đã giảm. Điều này cho thấy công tác phòng chống dịch sởi và thu dung, điều trị bệnh sởi tại TP.HCM hiệu quả, an toàn.
"Từ sau khi công bố dịch sởi đến nay, số ca mắc sởi tại TP.HCM đã giảm nhiều. Đây là tin vui cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Kinh nghiệm trong công tác phòng chống và điều trị bệnh sởi của TP.HCM là bài học cho nhiều địa phương khác”, ông Thuấn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thứ trưởng Thuấn đề nghị Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện không được chủ quan, lơ là, tiếp tục và thường xuyên rà soát đối tượng để không bỏ sót các đối tượng nguy cơ.
Ngoài ra, TP.HCM cần xây dựng kế hoạch sẵn sàng cho mọi tình huống, không chỉ với bệnh sởi mà cả các dịch bệnh truyền nhiễm khác. Các bệnh viện cần xây dựng quy trình ứng phó khi phát hiện ca nhiễm, hoặc nghi nhiễm từ phân luồng, cách ly điều trị đến kiểm soát nhiễm khuẩn, nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh nhanh chóng tập huấn, triển khai bản cập nhật hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh sởi vừa được Bộ Y tế ban hành.
Bình Thuận
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thu-truong-bo-y-te-kinh-nghiem-chong-dich-soi-cua-tp-hcm-la-bai-hoc-cho-nhieu-dia-phuong-230917.html