Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo phát biểu thảo luận tổ
Chiều 20-5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng...
Phát biểu tại tổ Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hải Trung - Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho biết, thực tế thi hành án cho thấy, thời gian để thi hành án tử hình rất lâu, có những đối tượng giam giữ cả chục năm chưa tử hình được. Vì thế, số chờ thi hành án tử hình, chờ quyết định ân xá rất lớn.
Do vậy, với dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi), đại biểu Trung nêu quan điểm, ông rất đồng tình bỏ mức án tử hình đối với một số tội và tương lai nên bỏ luôn án tử hình.
Theo dự án luật này, dự kiến sẽ bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở bộ luật hiện hành.
Cụ thể 8 tội được bỏ tử hình gồm: các tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (tổ Hà Nội) phát biểu thảo luận
Góp ý cụ thể, đại biểu Nguyễn Hải Trung bày tỏ băn khoăn về việc bỏ tử hình với tội vận chuyển tội ma túy.
Nhắc lại việc năm ngoái Quốc hội thông qua Chương trình phòng chống quốc gia về ma túy, thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc giảm tệ nạn này, đại biểu Nguyễn Hải Trung phân tích: Tội phạm ma túy có rất nhiều hành vi, từ sản xuất, buôn bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng…
“Với vận chuyển ma túy, khi các đối tượng vận chuyển số lượng nhỏ thì bỏ mức án tử hình không vấn đề gì, nhưng có những đối tượng vận chuyển cả tấn ma túy thì sao? Các nước có trường hợp dùng cả tàu ngầm để vận chuyển ma túy, thì tác hại thế nào?” – đại biểu Nguyễn Hải Trung đặt vấn đề. Từ đó, ông cho rằng, tội vận chuyển ma túy vẫn cần áp dụng mức án tử hình nhưng phân hóa theo mức độ phạm tội cụ thể.
Về tội làm hàng giả, đại biểu góp ý, trong các mặt hàng giả thì thuốc giả phải bị xử cao hơn các loại khác. “Đã có một tiểu phẩm “Thuốc giả, bác sĩ giả, chỉ con tôi chết là thật”” – đại biểu đoàn Hà Nội nói và nhấn mạnh tội làm thuốc giả cần phải xử mức nặng nhất.
Cũng góp ý về dự thảo luật này, đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) đề nghị ban soạn thảo bổ sung cụ thể về chế định hoãn thi hành án tử hình; về thủ tục xem xét giảm thi hành án tử hình của Chủ tịch nước..
Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận tổ
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, nguyên Chánh án TAND TP Hà Nội đồng quan điểm cho rằng, việc bỏ án tử hình với một số tội là đúng. Trên thế giới, một số nước không có án tử hình, một số nước có quy định án tử hình nhưng không thi hành.
“Trong thực tế, án tử hình không phải là hình phạt hữu hiệu có tác dụng giáo dục, răn đe phòng ngừa chung mà chỉ là biện pháp áp dụng nghiêm khắc đối với phạm nhân.
Cho nên, việc bỏ án tử hình thể hiện tính nhân đạo của nhà nước chúng ta, phù hợp xu thế chung. Việc giảm án tử hình đối với 8 tội như dự thảo là phù hợp” – đại biểu Nguyễn Hữu Chính phân tích, đồng thời nêu quan điểm cá nhân rằng nên bỏ thêm án tử hình.
Góp ý cụ thể hơn về 8 tội được giảm án tử hình, ông Nguyễn Hữu Chính cho rằng, với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, hình phạt tử hình là quá nghiêm khắc bởi lẽ người sản xuất thực tế nhiều khi không lường được hậu quả có thể gây tác hại chết nhiều người.
“Mục đích chính của người ta là vì lợi nhuận. Tội này nhiều khi do nhận thức, nên giảm án tử hình là có cơ sở” – đại biểu Nguyễn Hữu Chính phân tích.
Cũng theo ông Chính, đối với tội nhận hối lộ, tội tham ô, tội phạm kinh tế, việc không áp dụng án tử hình là có căn cứ và đảm bảo tính nhân đạo của Nhà nước, đặc biệt khi người tham ô, người nhận hối lộ đã bồi thường tài sản.
Tiến Hưng