Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với 4 địa phương về thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm việc với 4 địa phương về thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
8 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 28/7, tại phường Đồng Hới (tỉnh Quảng Trị), đoàn công tác Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị về tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự buổi làm việc có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Về phía địa phương có ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cùng đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh , Quảng Trị về tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện.
Cụ thể, thực hiện Quyết định số 1750/QĐ-BCT ngày 19 tháng 6 năm 2025 của Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh), Văn bản số 5396/BCT-ĐL ngày 21 tháng 7 năm 2025 của Bộ Công Thương về kiểm tra tình hình thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại buổi làm việc
Mở đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều chỉ đạo đối với EVN, các địa phương và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn nhất định do nhiều yếu tố, do đó, Bộ Công Thưng mong muốn được lắng nghe các khó khăn, vướng mắc và các kiến nghị cụ thể của các địa phương.
Đại diện các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tham dự buổi làm việc
Thanh Hóa mong muốn tháo gỡ vướng mắc liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Anh Chung - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa cho biết, tại tỉnh Thanh Hóa sản lượng điện năng thương phẩm 6 tháng đầu năm 2025 đạt trên 4,2 tỷ kWh, tăng 11,26% so với cùng kỳ. Để đạt được những kết quả trên là sự quan tâm của Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, EVN và sự hỗ trợ của các tỉnh Bắc Trung bộ trong việc phát triển mạng lưới điện truyền tải, xây dựng kết hạ tầng công nghiệp, giúp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư các dự án mới, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ khác phát triển. Đồng thời, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, đảm bảo an sinh, xã hội cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Ông Trần Anh Chung - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025, đến năm 2035, tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt danh mục 31 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.101 MW, 45 dự án lưới điện. Hiện địa phương cũng đang tích cực triển khai tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định.
Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn, công suất 1.500MW, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa đã gia hạn thời điểm đóng/mở thầu (lần 2) đến ngày 17/7/2025 tại Quyết định số 254/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 21/6/2025. Tuy nhiên, tại thời điểm đóng thầu lần 02, vẫn không có nhà đầu tư tham dự thầu. Do đó, Ban đã có Quyết định số 296/QĐ-BQLKKTNS&KCN ngày 18/7/2025 về việc hủy thông báo mời thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn.
Đồng thời, phía tỉnh Thanh Hóa cũng nhận được một số ý kiến của các nhà đầu tư về lý do không nộp hồ sơ dự thầu do liên quan đến mốc tiến độ vận hành vào năm 2030 và một số khó khăn liên quan đến quy định pháp luật, hợp đồng mua bán điện... Ngoài ra, đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Công Thanh, công suất 1.500MW, dự án đã cơ bản hoàn thành xong công tác bồi thường GPMB (97%) và san lấp mặt bằng cho khu vực nhà máy chính của dự án.
Tuy nhiên, dự án gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn do dự án nhiệt điện than không được ưu tiên phát triển. Đối với, Dự án Nhà máy thủy điện Hồi Xuân, công suất 102 MW, dự án đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra và có Thông báo Kết luận số 136/KL-TTCP ngày 16/4/2025. Hiện UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 09/6/2025 tổ chức triển khai Kết luận thanh tra số 136/KL-TTCP. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Nhà đầu tư khẩn trương bố trí vốn để sớm đưa dự án vào vận hành trong năm 2027 (đến nay dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng xây lắp).
Ngày 11/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì cùng các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án Thủy điện Hồi Xuân. Tại buổi làm việc, Đại diện Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng đã đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của dự án Thủy điện Hồi Xuân để sớm đưa dự án vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực.
Hà Tĩnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay, các dự án đang thực hiện thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, lập quy hoạch phân khu để tổ chức mời quan tâm, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành các dự án theo tiến độ vận hành trong quy hoạch/kế hoạch được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc tồn tại như qua quá trình phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh điện lực theo Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, thực tiễn phát sinh một số vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực đầu tư và đấu thầu.
Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được duyệt, trên địa bàn Hà Tĩnh có 12 dự án điện gió trên bờ, gần đất liền đấu nối vào tuyến đường dây 220kV Vũng Áng - Hà Tĩnh để giải tỏa, truyền tải công suất; tuy vậy, qua theo dõi và báo cáo của Truyền tải điện Hà Tĩnh, tuyến đường dây này hiện đang vận hành đầy tải, việc đấu nối, giải tỏa, truyền tải công suất các dự án năng lượng tái tạo nêu trên là rất khó khăn.
Để đảm bảo tính khả thi về giải tỏa công suất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nguồn điện trên địa bàn Sở Công Thương kính kiến nghị Bộ Công Thương: Chỉ đạo Tập đoàn EVN đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng TBA 500kV Hà Tĩnh 2 theo quy hoạch được duyệt. Hướng dẫn nội dung đề xuất điều chỉnh phương án đấu nối các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn để phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hiệu quả kinh tế và các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành. Hướng dẫn một số dự án Điện mặt trời đề xuất triển khai xây dựng đồng bộ cả 2 giai đoạn, nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đưa phần quy mô công suất được phân bổ cho giai đoạn 2031 - 2035 theo quy hoạch/kế hoạch vào vận hành sớm trong giai đoạn 2025 – 2030”- đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Tĩnh kiến nghị.
Nghệ An kiến nghị rút ngắn bước mời thầu dự án
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An kiến nghị xem xét, báo cáo Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định chi tiết về hồ sơ, nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư để có cơ sở hoàn thành được thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án LNG Quỳnh Lập. Đồng thời, theo quy định Điều 57 Nghị định số 102/NĐ-CP ngày 30/7/2024 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai quy định HĐND tỉnh Nghệ An ban hành danh mục khu đất để thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tu thực hiện dự án điện; UBND tỉnh công bố danh mục làm cơ sở để nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Đối với dự án điện phải thực hiện bước mời quan tâm để thực hiện xác định số lượng nhà đầu tư trước khi thực hiện đấu thầu (nếu có 2 nhà đầu tư đáp ứng).
Lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An phát biểu ý kiến
"Tuy nhiên, nếu thực hiện mời quan tâm mà chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm thì nội dung thực hiện phê duyệt danh mục và công bố danh mục là không cần thiết. Do vậy, đề nghị Bộ Công Thương phối hợp Bộ Tài chính để rút ngắn bước mời thầu quan tâm đảm bảo tiến độ dự án”- đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Nghệ An kiến nghị.
Tỉnh Quảng Trị gặp phải khó khăn trong quy hoạch chi tiết dự án điện gió
Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị cho biết, tổng công suất nguồn điện đã có trong Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh của tỉnh Quảng Trị đến 2030 là 14.475MW, giai đoạn 2031 - 2035 là 3.872,8MW. Hiện, tổng công suất đã phát điện và vận hành thương mại trên địa bàn tỉnh là 1.459,8 MW, gồm: 21 Dự án Nhà máy điện gió với tổng công suất 994,2MW, 11 Dự án Nhà máy thủy điện với tổng công suất 181,5MW, 4 Dự án Nhà máy điện mặt trời mặt đất với tổng công suất 159,2MW (199MWp) và 1.204 hệ thống điện mặt trời mái nhà (MTMN) với tổng công suất 126,7MW.
Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, hiện tỉnh đang gặp phải khó khăn trong việc tổ chức mời quan tâm, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất liên quan đến quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đối với các dự án điện gió theo quy định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 126 Luật Đất đai, là chưa phù hợp với các dự án điện gió.
Ông Hồ Xuân Hòe - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Trị phát biểu tại buổi làm việc
Để đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc thù của các dự án điện gió triển khai trên địa bàn các tỉnh và góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số các năm tiếp theo; UBND tỉnh Quảng Trị kính đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép các địa phương trong quá trình phê duyệt hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu các dự án năng lượng (dự án điện gió, công trình theo tuyến) không xem xét đến việc phù hợp với Quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo như kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị tại Văn bản số 2919/UBND-KT ngày 27/6/2025”- đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Quảng Trị kiến nghị.
Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của các địa phương liên quan đến các dự án nguồn và lưới điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã giao cho các đơn vị chuyên môn, đại diện Tập đoàn EVN và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trả lời kiến nghị của các địa phương nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng. Đối với những vấn đề có liên quan quan đến nhiều bộ ngành hoặc vượt thẩm quyền, Bộ sẽ phối hợp, tổng hợp báo cáo lên cấp cao hơn để có phương án giải quyết theo tinh thần tạo thuận lợi nhất cho địa phương.
Thành Long
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thu-truong-nguyen-hoang-long-lam-viec-voi-4-dia-phuong-ve-thuc-hien-quy-hoach-dien-viii-dieu-chinh-412568.html