Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khoa học công nghệ sẽ củng cố vị thế nông sản Việt

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Khoa học công nghệ sẽ củng cố vị thế nông sản Việt
5 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu.
Phát biểu tổng kết phiên sáng Hội nghị Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức trong ngày hôm nay, 10/5, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh nhờ khoa học công nghệ, Việt Nam đang và sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
Phiên họp sáng nay có 1.114 đại biểu tham dự trực tiếp tại Bắc Ninh và gần 10.000 lượt theo dõi trực tuyến. Các báo cáo trình bày trong phiên sáng được đánh giá cao nhờ nội dung trọng tâm, phương pháp trình bày rõ ràng và nhấn mạnh các công nghệ mới đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.
Tuy vậy, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế cần phải đổi mới. Đó là, dù chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong phát triển nhưng một loạt những tồn tại và điểm nghẽn về thể chế, cơ chế tài chính, tổ chức, đến tư duy điều hành đang cản trở việc phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có.
Một trong những vấn đề cốt lõi được bộ này chỉ rõ chính là sự chậm trễ trong đổi mới thể chế, đặc biệt là các quy định liên quan đến cơ chế trọng dụng nhân tài. Hiện nay, chưa có hành lang pháp lý đủ linh hoạt để thu hút, giữ chân đội ngũ nhà khoa học trình độ cao, cũng như xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh yếu tố nền tảng cho bất kỳ sự phát triển đột phá nào.
Đáng chú ý, dù ngành nông nghiệp và môi trường đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000ha đất, nhưng hiệu quả khai thác vẫn còn rất khiêm tốn.
Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Việc này đã được bộ ghi nhận và có kiến nghị chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ theo hướng thực tiễn hơn.
Bên cạnh đó, cách đầu tư theo kiểu manh mún, dàn trải theo giai đoạn, cũng khiến nhiều nơi có thiết bị nhưng không có người vận hành, có phòng thí nghiệm nhưng lại thiếu kinh phí để duy trì. Nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm trong ngành chỉ được cấp khoảng 3,5 tỷ đồng/năm.
Thu hoạch thanh long ở Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
Ngoài ra, thủ tục hành chính còn phức tạp, kéo dài. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế. Điều này làm chậm nhịp chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực...
Để góp phần cải thiện thực trạng trên, trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết các chương trình phối hợp và hợp tác với các tổ chức khoa học-kỹ thuật, hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Các thỏa thuận được ký kết nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ môi trường trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia.
Mở đầu lễ ký kết, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã thực hiện nghi thức ký kết với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Lễ ký kết này là bước khởi đầu quan trọng nhằm tạo ra mạng lưới phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức khoa học và các hiệp hội chuyên ngành.
Tiếp theo đó, đại diện lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiến hành ký kết các chương trình hợp tác cụ thể với nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Các cam kết hợp tác bao gồm chia sẻ nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường và triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong quản trị và chuỗi giá trị.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các lễ ký kết trên không chỉ thể hiện quyết tâm đồng hành giữa cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành và doanh nghiệp, mà còn mở ra những cơ hội liên kết hiệu quả, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết số 57 -NQ/TW đã đề ra./.
(Vietnam+)
Nguồn VietnamPlus : https://www.vietnamplus.vn/thu-truong-phung-duc-tien-khoa-hoc-cong-nghe-se-cung-co-vi-the-nong-san-viet-post1037739.vnp