Tối 7/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị với các bộ, ngành, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội, doanh nghiệp để chủ động thích ứng với tình hình mới về thương mại quốc tế.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo 94 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chỉ có thể mạnh lên, không được phép yếu đi
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi khi khó khăn, dân tộc ta, đất nước ta lại càng có bản lĩnh, kinh nghiệm để trỗi dậy, ứng phó hiệu quả hơn với tình hình. Hiện nay, đất nước ta đã trưởng thành, lớn mạnh hơn, đủ bản lĩnh để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bất cứ sự kiện, biến động gì xảy ra trên thế giới và khu vực.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá phản ứng và biện pháp của các nước nhằm ứng phó với chính sách thuế mới của Hoa Kỳ, cả những giải pháp trước mắt và lâu dài để thích ứng với tình hình mới; báo cáo tình hình, phân tích về cơ hội và thách thức đối với hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam; kiến nghị giải pháp cụ thể về mở rộng thị trường thương mại, đầu tư; đồng thời, đưa ra những đề xuất để tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hiện nay cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng và các doanh nghiệp nói chung.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, cho đến nay, đã có khoảng 50 quốc gia đề nghị được đàm phán với Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong những nước có phản ứng sớm nhất và là nước đầu tiên có trao đổi trực tiếp của lãnh đạo cấp cao nhất, đặt nền tảng quan trọng cho quá trình đàm phán song phương tới đây.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu cho rằng tình hình tới đây sẽ còn nhiều phức tạp, khó khăn và khó đoán định; không loại trừ khả năng các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và các đối tác sẽ từng bước làm thay đổi cấu trúc thương mại và đầu tư toàn cầu, định hình lại các chuỗi cung ứng, nhất là các công nghệ cao và các mặt hàng chiến lược. Điều này đặt các nền kinh tế đang phát triển ở vị trí ngày càng khó khăn, chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn về thương mại và thu hút đầu tư, và tham gia cân bằng, hiệu quả vào các chuỗi cung ứng.
Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Triển khai “bộ tứ chiến lược”
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong "bộ tứ chiến lược" theo các nghị quyết, chủ trương của Đảng gồm: (1) đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; (2) sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; (3) phát triển khu vực kinh tế tư nhân; (4) hội nhập quốc tế trong tình hình mới.
Cụ thể, triển khai hiệu quả Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới và bài viết "Vươn mình hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm với tinh thần đột phá, vươn lên và hội nhập, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, tự tin, tự hào dân tộc, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; có thời cơ và thuận lợi thì tranh thủ, không lơ là, chủ quan, có thách thức và khó khăn thì bình tĩnh vượt qua, nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ kế hoạch triển khai Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị và những tư tưởng chỉ đạo mới của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Cùng với đó, triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Nghị quyết 18 của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp; chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng.
Thủ tướng nêu rõ, đây là những nội dung có liên kết chặt chẽ với nhau, là việc khó nhưng cần phải làm và tin chắc sẽ thành công.
Thách thức lớn song cũng là cơ hội tái cấu trúc
Về tình hình mới trong thương mại quốc tế, trong đó có chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh, việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng tới kinh tế thế giới, trong đó có nước ta. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tái cấu trúc thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng, vươn lên mạnh mẽ hơn, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng cho biết Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan sẽ tiếp tục tập trung triển khai 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, nhân lực và quản trị thông minh để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phải có phương án chuẩn bị hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp khó khăn. Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng, triển khai gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng chiến lược.
Đồng thời, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2025 và cả năm 2026, nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân.
Chính phủ, các bộ, ngành làm công tác quy hoạch; đàm phán mở rộng thị trường; bảo đảm cho doanh nghiệp tiếp cận bình đẳng về chính sách và nguồn lực; bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa; đề xuất mở rộng diện miễn thị thực nhập cảnh cho một số đối tượng, quốc gia phù hợp…
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải bám sát, nắm chắc tình hình, đề xuất các giải pháp, kết nối nền kinh tế nước ta với nước sở tại, khu vực sở tại, đặc biệt là kết nối doanh nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động xử lý các công việc bảo đảm thông suốt, không ách tắc, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp và người dân.
Mong các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, ngày càng đoàn kết, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phối hợp tốt với chính quyền, cơ quan đại diện ở nước ngoài, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác lẫn nhau, nâng cao tính tự lực, tự cường, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, ứng dụng khoa học công nghệ…
Liên quan chính sách thuế của Hoa Kỳ, các giải pháp phải gồm cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại; cả trước mắt và lâu dài; cả trực tiếp và gián tiếp; cả thuế quan và phi thuế quan, thương mại và phi thương mại; có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có diện rộng và trọng điểm…
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng phải thúc đẩy nhưng không phải động lực duy nhất mà còn nhiều động lực quan trọng khác như đầu tư, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, các ngành mới nổi. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải là thị trường duy nhất, còn nhiều thị trường rất tiềm năng khác cần tận dụng hiệu quả hơn, nhất là khai thác 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế trên thế giới.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế để đạt mức tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới để đạt 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Lê Đỗ