Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TP Hồ Chí Minh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
Sáng 23/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương, tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp.
Ưu tiên phân bổ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học.
Thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển của các vùng kinh tế - xã hội và của cả nước. Rà soát, ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.
Với ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu: đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Đặc biệt, trên cơ sở các giá trị cốt lõi của ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị ĐHQG TP Hồ Chí Minh thực hiện 3 "tiên phong xuất sắc":
Thứ nhất, tiên phong xuất sắc trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên tinh thần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán.
Thứ hai, tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành mới nổi trong kỷ nguyên thông minh.
Thứ ba, tiên phong xuất sắc trong giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐHQG TP Hồ Chí Minh thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì cùng các cơ quan liên quan và 2 ĐHQG khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG. Trong đó, xác định rõ trao quyền tự chủ cao; có cơ chế, chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu thế giới; thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế, trong nước, nâng cao quản trị thông minh.
Sở GD&ĐT Hải Phòng kiểm tra tại Phòng GD&ĐT quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Ảnh: Nguyễn Dịu.
Tăng cường kiểm tra hoạt động dạy học thêm
Quy định mới về dạy thêm, học thêm vẫn là thông tin giáo dục nhận được sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội tuần qua; nổi bật là hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc áp dụng quy định mới.
Về phía Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm.
Đoàn kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 10/CĐ-TTg ngày 7/2/2025; quy định về công tác kiểm tra của Bộ GD&ĐT ban hành kèm theo Quyết định số 1489/QĐ-BGDĐT ngày 24/5/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và các quy định pháp luật khác có liên quan. Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2/2025 đến ngày 20/3/2025.
Tại TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các quận, huyện và TP Thủ Đức (TPHCM) có kế hoạch kiểm tra nhằm đưa hoạt động vào khuôn khổ.
Ngày 17/2, Tổ công tác của UBND phường Bình Hưng Hòa B (Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) kiểm tra đột xuất Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên (tên pháp lý là Công ty TNHH Giáo dục văn hóa Trạng Nguyên). Với những vi phạm theo Thông tư 29, trung tâm này bị dừng hoạt động từ ngày 17/2, trả toàn bộ học sinh tại trung tâm về gia đình, tháo gỡ toàn bộ bảng hiệu quảng cáo. Thời gian tới, nếu cơ sở đáp ứng đủ điều kiện Thông tư 29 thì có thể tiếp tục hoạt động.
Sở GD&ĐT Hải Phòng kiểm tra đột xuất các trường học trên địa bàn việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29. Trong đó tập trung vào các nội dung như: Tổ chức quán triệt, phổ biến và tuyên truyền tới cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh về quy định mới; yêu cầu cán bộ, giáo viên ký cam kết thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.
Nhằm kịp thời nắm bắt dư luận xã hội về Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức cuộc điều tra dư luận xã hội về vấn đề này đến hết ngày 23/2.
Cuộc điều tra dư luận xã hội được triển khai trong toàn quốc bằng hình thức trực tuyến, thông qua ứng dụng Google Docs.
Ý kiến của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân là nguồn thông tin quý để Vụ Nghiên cứu - Dư luận xã hội tổng hợp, tiếp thu, phản hồi đến cấp có thẩm quyền nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp trong công tác dạy thêm, học thêm.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực tăng cao
Từ 9h sáng ngày 23/2, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (HSA) năm 2025 mở cổng đăng ký dự thi từ 9h sáng 23-2. Theo Viện Đào tạo số và khảo thí trực thuộc ĐHQG Hà Nội, ngay từ khi mở cổng đăng ký, số lượng tài khoản truy cập trang chủ đăng ký thi rất lớn. Điều này dẫn đến việc ùn nghẽn; thí sinh phải đợi khoảng 30 - 60 phút để lựa chọn được địa điểm thi, ca thi.
Đến 11h50 cùng ngày, hội đồng thi đánh giá năng lực thống kê đã nhận được 89.196 lượt đăng ký dự thi, đạt 99,8% quy mô kỳ thi (90.000 chỗ thi năm 2025).
Hầu hết các địa điểm thi, ca thi đã đủ chỗ ngay từ ngày mở cổng đăng ký đầu tiên và xác suất để lựa chọn ca thi thứ hai còn lại rất thấp.
Năm 2025, hệ thống đăng ký thi HSA chỉ cho phép thí sinh lựa chọn 1 ca thi trong khung thời gian từ ngày 23/2 đến 2/3, để tạo cơ hội cho nhiều thí sinh tiếp cận với kỳ thi. Ca thi thứ hai được chọn sau ngày 3/3, nếu còn chỗ trống và đảm bảo nguyên tắc hai ca thi phải cách nhau tối thiểu 28 ngày.
Hội đồng thi sẽ rà soát dữ liệu thí sinh sau 96 giờ để chuẩn bị dữ liệu cho đợt thi đầu tiên diễn ra ngày 15 và 16/3. Phiếu báo dự thi đợt thi đầu tiên sẽ được gửi tới thí sinh qua email đăng ký trước 7 ngày thi
Sáng 21/2, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo của ĐH TP Hồ Chí Minh cho biết, kết thúc đợt đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 1, đã có hơn 130.000 thí sinh đăng ký dự thi năm 2025. Trong đó 127.964 thí sinh đã hoàn tất thủ tục đóng lệ phí thi.
Số thí sinh dự thi năm nay tăng mạnh và cao kỷ lục trong 8 năm tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực này.
Đại diện Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. Hồ Chí Minh cho hay, lượng thí sinh tăng cao vì kỳ thi ngày càng được thông tin rộng rãi đến thí sinh, đồng thời các em muốn tăng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học, nhất là những trường và những ngành có độ cạnh tranh cao.
Phê duyệt Đề án phát triển Hệ thống Trung tâm đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0
Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 374/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030.
Mục tiêu của Đề án nhằm hình thành ít nhất 1 hoặc 2 mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng trong mỗi lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.
Riêng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn và công nghệ sinh học hình thành ít nhất 2 hoặc 3 mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng ba miền Bắc - Trung - Nam.
Mỗi mạng lưới trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng do 1 cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt và có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học cùng với một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia.
Mỗi mạng lưới tổ chức được ít nhất 1 chương trình xuất sắc về đào tạo thích ứng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu cho phát triển nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên của công nghiệp 4.0.
Phấn đấu mỗi mạng lưới thu hút được ít nhất 100 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Ban hành quy định mới về kiểm định chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục Đại học
Ngày 17/2/2025, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT quy định về kiểm định chương trình đào tạo trình độ đại học. Thông tư này thay thế cho các Thông tư liên quan về kiểm định chương trình đào tạo đại học hiện hành.
Thông tư 04 gồm 5 chương, 46 điều, được xây dựng trên cơ sở cập nhật bộ tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo phiên bản 4.0 của Tổ chức bảo đảm chất lượng thuộc Tổ chức mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) và phù hợp với điều kiện thực tiễn về giáo dục đại học của Việt Nam.
Hải Bình t/h