Ngày 17/1/1960 là ngày diễn ra cuộc đồng khởi của đồng bào Bến Tre. Theo đó, vào ngày này, nhân dân huyện Mỏ Cày (tỉnh Bến Tre) nhất tề nổi dậy, diệt ác phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở.
Từ thắng lợi Mỏ Cày, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trộm, Châu Thành, Ba Tri, Thành Phú, Bình Đại. Chính quyền tự quản và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, bọn ác ôn bị đưa ra xét xử, ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân.
Một góc thành phố Bến Tre.
Theo chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26/01/1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) tiêu diệt và bắt sống 500 quân ngụy, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xóa bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp.
Hòa nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh, các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường... đồng loạt nổi dậy và làm chủ khoảng 2/3 số ấp, xã.
Ngọn lửa nổi dậy, tiến công bốc cao và lan rộng ở đồng bằng Nam Bộ, ở rừng núi miền Trung. Hầu hết các ban tề ấp, xã tan rã, tê liệt. Vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền các huyện, các tỉnh. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Một hình thức chính quyền nhân dân ra đời.
Tính đến cuối năm 1960, phong trào "Đồng khởi” của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền địch ở đại bộ phận cơ sở. Thế trận của địch ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng hô hào "Bắc tiến” chúng phải dồn về chống đỡ với cách mạng miền Nam. Phong trào Đồng khởi giành thắng lợi, tạo ra bước ngoặt chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Quốc Trần