Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn

Thủ tướng chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo quốc gia về ngành công nghiệp bán dẫn
một giờ trướcBài gốc
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, cùng lãnh đạo các bộ ngành, cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Ngành công nghiệp bán dẫn đã phát triển rất mạnh và là một trong những lĩnh vực chủ chốt thúc đẩy cuộc cách mạng thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mang ý nghĩa kinh tế, chính trị sâu sắc. Bán dẫn đang là nền tảng của 3 chuyển đổi cách mạng, xác lập tiến trình lịch sử và trật tự thế giới mới - Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi thông minh.
Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn trong việc tạo đột phá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan quyết liệt triển khai nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Các đại biểu dự phiên họp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhằm chỉ đạo, phối hợp liên ngành để triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.
Tại phiên họp này, các thành viên Ban Chỉ đạo cùng các đại biểu thảo luận về kế hoạch cụ thể triển khai Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn: những việc các Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cơ quan liên quan đã làm và cần phải làm. Cách thức tổ chức triển khai, xây dựng kế hoạch cụ thể cho thời gian tới; rà soát, đánh giá lại những nội dung đã làm được, chưa làm được; bàn cách tháo gỡ, tiếp tục thúc đẩy phát triển nhanh hơn, mạnh hơn hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, phát triển công nghiệp bán dẫn là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; là “xương sống” phát triển nhiều ngành công nghiệp cũng như thu hút nhân tài cho các quốc gia; hướng nền kinh tế sang kinh tế số, xanh, tuần hoàn và tiếp tục là xu thế tất yếu trong tương lai.
Phát triển công nghiệp bán dẫn là lựa chọn chiến lược; cần tiếp tục triển khai toàn diện, bao gồm đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực; tiếp tục đột phá về thể chế và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; hợp tác quốc tế với các quốc gia, nền kinh tế, tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.
Việt Nam có những lợi thế chiến lược về phát triển công nghiệp bán dẫn: trữ lượng đất hiếm đứng thứ 2 thế giới, vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi nằm ở trung tâm của khu vực đang chiếm tới 70% sản lượng sản xuất của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, nguồn nhân lực dồi dào và nhiều tiềm năng là 1 trong 16 quốc gia đông dân nhất trên thế giới với dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, xếp hạng 44/133 nền kinh tế về đổi mới sáng tạo.
Về chủ trương, chính sách: Đột phát về phát triển nguồn nhân lực được thể chế hóa từ Nghị quyết Đại hội XI, được kế thừa, phát triển đến Nghị quyết Đại Hội XIII, khẳng định: tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã xác định mục tiêu phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo; ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 43/CT-TTg về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi.
Đã có các cơ chế chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong Luật Thủ đô, các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển một số thành phố như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
Thời gian tới, tiếp tục đột phá về các cơ chế chính sách như: thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư; đề xuất cơ chế, chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân…
Toàn cảnh phiên họp.
Đã thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế là Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cũng như các Khu công nghệ cao HCM, Hòa Lạc, Đà Nẵng cùng nhiều khu công nghiệp tiêu chuẩn, là điểm đến tiềm năng trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất bán dẫn và thu hút nguồn vốn FDI của các tập đoàn công nghệ bán dẫn lớn trên thế giới như: Amkor, Samsung, Hana Micron, Foxconn, LAM Research, Coherent, Intel.
Có nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhà đầu tư tốt như: Viettel, FPT, Phenikaa đang triển khai chiến lược phát triển, đẩy mạnh các dự án cụ thể trong lĩnh vực bán dẫn. Chúng ta bắt đầu có các startup tiềm năng về bán dẫn như: Infrasen, VnChip, Hyphen Deux.
Về hợp tác quốc tế hiện đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như trên khai các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Quỹ ĐMST và an ninh công nghệ (ITSI) về phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Đã chủ động tổ chức, kết nối đầu tư, kinh doanh thông qua đa dạng các hoạt động như: Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam; mời gọi, đón tiếp các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như: NVIDIA, Samsung, Qualcomm, LAM Research, Marvell, Qorvo sang để tìm hiểu môi trường đầu tư, hướng tới mở rộng sản xuất, kinh doanh và xây dựng cứ điểm tại Việt Nam.
Đang tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các khuôn khổ hợp tác bán dẫn với các đối tác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ…
Vũ Khuyên/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-chu-tri-phien-hop-ban-chi-dao-quoc-gia-ve-nganh-cong-nghiep-ban-dan-post1141987.vov