Thủ tướng: Đẩy mạnh khám phá các vận hội mới trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Czech

Thủ tướng: Đẩy mạnh khám phá các vận hội mới trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - Czech
8 giờ trướcBài gốc
Đồng lòng vượt qua rào cản, hướng tơi tương lai bền vững
Sáng ngày 20/1, tại Thủ đô Praha, Czech, theo giờ địa phương, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương Czech tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn.
Diễn đàn là một trong những sự kiện quan trọng, được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Czech của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Cộng hòa Czech
Tham dự và phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính cho biết, ông vô cùng vinh dự khi có mặt tại thành phố Praha tráng lệ, “trái tim của châu Âu” để tham dự Diễn đàn doanh nghiệp trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Czech trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đây là cơ hội quý báu để hai Bên cùng lắng nghe, trao đổi về các chiến lược hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới; khám phá những vận hội trong kỷ nguyên mới; đồng lòng vượt qua mọi rào cản để hướng đến tương lai phát triển vững chắc và thịnh vượng cho cả hai quốc gia.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech là cơ hội để hai Bên cùng lắng nghe, trao đổi về các chiến lược hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới; khám phá những vận hội trong kỷ nguyên mới; đồng lòng vượt qua mọi rào cản để hướng đến tương lai phát triển vững chắc và thịnh vượng cho cả hai quốc gia
Tóm tắt về quan hệ thương mại hai nước, Thủ tướng cho biết,trong 75 năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam - Czech không ngừng được phát triển và củng cố.
Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức quý báu cả về vật chất và tinh thần của nhân dân Czech trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước sau này. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động Việt Nam được Czech giúp đỡ sang học tập và lao động; cùng cộng đồng hùng hậu gần 100.000 người Việt Nam đã được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Czech chính là nền móng quan trọng cho hợp tác hữu nghị, tin cậy, thực chất giữa Việt Nam - Czech trong giai đoạn phát triển hết sức tốt đẹp, trên cơ sở chia sẻ những giá trị chung và lợi ích chiến lược.
“Hai nước đã cùng nhau tạo dựng những nhịp cầu thương mại vững chắc, khơi thông những dòng chảy đầu tư, và quan trọng nhất là xây đắp một niềm tin sâu sắc vào sự hợp tác bền lâu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Ngọn hải đăng” dẫn lối hợp tác đầu tư
Cũng theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, sau 4 năm đầu triển khai Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Czech tăng trưởng đột phá, trung bình gần 100% mỗi năm.
“Các bạn luôn là đối tác thương mại hàng đầu của chúng tôi tại Trung Đông Âu; trong khi đó Việt Nam là đối tác quan trọng nhất của Czech tại ASEAN. Những chiếc xe Skoda ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố Việt Nam không chỉ đánh dấu hành trình khởi đầu của một hãng xe Czech tại đất nước Việt Nam, mà còn kỳ vọng trở thành ngọn hải đăng dẫn lối cho các lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác của hai nước vươn tới những đỉnh cao mới” - Thủ tướng tự hào chia sẻ
Để đạt được những thành công vừa nêu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh yếu tố nền tảng là quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc; sự hỗ trợ và quan tâm của Chính phủ hai nước; phải kể đến sự góp sức và đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước.
Việt Nam rất vui mừng chứng kiến nhiều thành tựu kinh tế đáng chú ý của các bạn thời gian qua. Czech đang từng bước củng cố vị thế và khẳng định vị trí của mình như một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu tại châu Âu, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Czech thu hút sự tham gia đông đảo của lãnh đạo, doanh nghiệp hai nước
Giới thiệu về Việt Nam cũng như tình hình phát triển kinh tế đất nước trong suốt những năm qua, Thủ tướng cho biết, trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 08 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược với 10 quốc gia, quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia; là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức khu vực, quốc tế.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới với quy mô GDP khoảng 470 tỷ USD, đứng thứ 3 ASEAN và thứ 32 thế giới; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%.
Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, xuất siêu gần 25 tỷ USD và đang là thành viên đầy đủ của 17 Hiệp định thương mại tự do với hầu hết các đối tác kinh tế lớn trên thế giới.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 01 bậc so với năm 2023. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 02 bậc so với năm 2023.
Xuất phát từ những điểm tương đồng, như tin cậy chính trị cao, khát vọng vươn cao trên cơ sở hòa bình và phát triển, chia sẻ những giá trị về cộng đồng cốt lõi trong xã hội, nền kinh tế và thị trường mang tính bổ trợ lẫn nhau, Thủ tướng tin rằng, không gian hợp tác phát triển của doanh nghiệp, nhà đầu tư hai bên là vô tận. Nhất là trong bối cảnh hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng với không gian, điều kiện hợp tác và mong muốn của hai bên; dư địa hợp tác, phát triển rất lớn.
Làm mới những động lực cũ, thúc đẩy các động lực mới
Cũng theo Thủ tướng, kinh tế thế giới ngày nay có những thời cơ, thuận lợi và nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Để vượt qua những thử thách mang tính thời đại, Việt Nam định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối với doanh nghiệp trong nước; ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo, tài chính xanh, trung tâm tài chính, công nghệ sinh học, y tế…
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển bền vững, Việt Nam coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Thực hiện 3 đột phá chiến lược: (i) Hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường; (ii) Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; (iii) Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, kết nối đầu tư, kết nối thương mại, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”...
Với những cơ hội và điều kiện đã có, môi trường pháp lý đang tiếp tục được cải thiện, Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp hai nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa sang thị trường của nhau, thúc đẩy thương mại song phương; đặc biệt trong bối cảnh Czech là một trong những quốc gia đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVIPA).
Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng rằng trong thời gian tới, lĩnh vực đầu tư giữa hai nước sẽ có những đột phá mang tính chiến lược, nhất là trong những lĩnh vực then chốt mà hai bên cùng quan tâm, dành ưu tiên như công nghiệp ô tô, công nghiệp có tính nền tảng, giao thông vận tải, năng lượng; qua đó làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối với nhau, kết nối hai nền kinh tế, kết nối đầu tư, kết nối thương mại, với quan điểm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào”.
Với tầm nhìn mới, Thủ tướng tin tưởng, hợp tác kinh tế sôi động hơn giữa hai nước, sẽ mang lại giá trị mới, góp phần biến khát vọng của hai nước trở thành hiện thực, đưa mỗi nước ngày càng phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, tình hữu nghị giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiệu quả và “muôn đời thịnh vượng, vững bền tương lai".
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân trong chuyến thăm chính thức tại Cộng hòa Czech theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala.
Bên cạnh việc tháp tùng Thủ tướng tham dự các hoạt động đối ngoại song phương tại Czech, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác Bộ Công Thương cũng sẽ có các cuộc gặp gỡ, làm việc, tiếp xúc song phương với các đối tác.
Nguyên Minh từ Thủ đô Praha, Czech
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thu-tuong-day-manh-kham-pha-cac-van-hoi-moi-trong-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-giua-viet-nam-czech-370481.html