Thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên
Sáng 5/5, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025.
Đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, Thủ tướng cho biết, các nhận định, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo tại phiên khai mạc Quốc hội. Ảnh: Như Ý
Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 25,4 tỷ USD (tăng 2,4 tỷ USD so với số đã báo cáo).
“Trong bối cảnh nhiều khó khăn, kết quả đạt được của năm 2024 là rất đáng trân trọng, tự hào, tốt hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ được “trong ấm, ngoài êm”, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới hết sức phức tạp, khó lường. Đặc biệt, việc Mỹ bất ngờ công bố chính sách thuế đối ứng ở mức cao trên diện rộng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, với tinh thần “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.
Trong đó, trọng tâm là thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp; xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
Tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu 8% trở lên; đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, trong đó trình Bộ Chính trị, Quốc hội thông qua nhiều cơ chế, chính sách đột phá.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, trước việc Mỹ công bố chính sách thuế quan mới, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, chủ động tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt, phù hợp và đạt kết quả bước đầu tích cực. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Mỹ đồng ý đàm phán.
Ảnh: Như Ý
Tăng trưởng quý I cao nhất so với cùng kỳ
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo sát sao Đoàn đàm phán và các bộ, cơ quan theo dõi tình hình, khẩn trương hoàn thiện phương án và sẵn sàng đàm phán với Mỹ với tinh thần “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”.
Kết quả đạt được những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng chia sẻ, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Thu ngân sách 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%.
Cũng theo Thủ tướng, thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, thông suốt, hiệu quả.
Cụ thể, đã hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Chính phủ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ); đồng thời triển khai nhanh, quyết liệt, hiệu quả việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Bên cạnh đó, công tác phòng, chống lãng phí được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực, nhất là việc xử lý các công trình, dự án tồn đọng, kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã hoàn thành rà soát, đề xuất Bộ Chính trị, Quốc hội tháo gỡ vướng mắc cho trên 2.200 dự án với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 235 tỷ USD) và tổng quy mô sử dụng đất khoảng 347 nghìn ha.
Về hạn chế, bất cập, theo người đứng đầu Chính phủ, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn lớn, nhất là về lãi suất, tỷ giá, kiểm soát lạm phát. Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”…
Ảnh: Như Ý
Bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh
Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đồng thời, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong “bộ tứ chiến lược”.
Theo Thủ tướng, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD, GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực.
Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu ngân sách trên 15%. Điều chỉnh bội chi lên mức 4 - 4,5% GDP trong trường hợp cần thiết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, trong năm 2025, bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết; giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết của các thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí thủ tục hành chính.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị với tinh thần “không làm nửa vời, làm đến cùng, làm triệt để”.
Luân Dũng