Thủ tướng: Luật TMĐT phải có công cụ giám sát, chống hàng giả và gian lận thuế

Thủ tướng: Luật TMĐT phải có công cụ giám sát, chống hàng giả và gian lận thuế
9 giờ trướcBài gốc
Sáng 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025 để xem xét, cho ý kiến về 8 nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Khoảng 40 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết dự kiến trình xem xét trong năm 2026
Tại Phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy; Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế); Dự án Luật Thương mại điện tử (TMĐT); Dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế); Dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế); Dự án Luật Báo chí (thay thế); và đề xuất Chương trình lập pháp năm 2026.
Theo các báo cáo và ý kiến tại Phiên họp, việc xây dựng đề xuất Chương trình lập pháp năm 2026 để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Công tác này được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025, với khoảng 40 dự án luật, pháp lệnh và nghị quyết dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong năm 2026.
Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025. Ảnh: VGP.
Cho ý kiến đối với các nội dung được trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm "phòng hơn chống" trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, coi phòng ngừa là yếu tố cơ bản, chiến lược, lâu dài nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy, giảm cầu ma túy.
Với dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), Thủ tướng nêu rõ: đây là đạo luật phục vụ kiến tạo phát triển, cần tập trung huy động nguồn lực tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phát triển các hãng hàng không, sân bay, dịch vụ logistics hàng không, đô thị sân bay... Luật phải tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách triệt để.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025.
Đối với dự án Luật TMĐT, Thủ tướng yêu cầu tham khảo kinh nghiệm quốc tế để vận dụng sáng tạo vào điều kiện của Việt Nam. Luật cần đảm bảo mục tiêu vừa quản lý hiệu quả, vừa thúc đẩy TMĐT phát triển mạnh mẽ, mở rộng phạm vi và quy mô, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cần thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, phòng ngừa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, đặc biệt là thuốc và thực phẩm. Đồng thời, phải có giải pháp chống thất thu thuế, xử lý gian lận thuế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong thực hiện thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế), Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới quản lý theo hướng hiện đại, trong đó các bộ, ngành tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kiến tạo phát triển. Giáo dục cần bảo đảm tính liên thông, khuyến khích học tập suốt đời; quan tâm đào tạo các ngành cơ bản, có chế độ đặc thù đối với một số lĩnh vực như pháp y, truyền nhiễm, nghệ thuật...
Loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và đầu tư đầy đủ nguồn lực về con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm, đó là: cơ bản tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, pháp luật trong năm 2025, góp phần kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu ý kiến tại Phiên họp.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh một số quan điểm và yêu cầu trong công tác xây dựng pháp luật, trong đó có việc rà soát kỹ lưỡng các quy định; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp; nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.
Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm đồng thời hai mục tiêu: kịp thời về thời gian, tiến độ và nâng cao chất lượng. Luật cần tập trung quy định các vấn đề có tính khung, mang tính nguyên tắc. Những nội dung đã "chín, rõ", được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả và được đa số đồng thuận, ủng hộ thì cần được luật hóa, áp dụng vào thực tiễn.
Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý cần cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân, phát huy dân chủ trong thảo luận để tạo sự đồng thuận sâu rộng. Việc xây dựng chính sách, dự án luật phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các ĐBQH chuyên trách ngay từ giai đoạn khởi thảo hồ sơ.
Lê Bảo
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/thu-tuong-luat-tmdt-phai-co-cong-cu-giam-sat-chong-hang-gia-va-gian-lan-thue-169250723144025991.htm