Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025 để xem xét, cho ý kiến vào 8 nội dung xây dựng pháp luật, gồm 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về chương trình lập pháp năm 2026.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2025
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, các ý kiến đánh giá việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn. Dự án luật thay đổi căn bản quan điểm, cách nhìn nhận về người nghiện. Luật hiện hành coi người nghiện là người bệnh, do đó ứng xử người nghiện như người bệnh, trong khi đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy quy định người sử dụng trái phép ma túy là tội phạm. Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung đề xuất quy định rõ về quan điểm mới này để xử lý các vấn đề liên quan trong thực tiễn thi hành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đồng tình với việc nâng mức thời gian cai nghiện cho người nghiện từ 12 lên 24 hoặc 36 tháng: "Thời gian 12 tháng mà lại chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu vào để phân loại, giai đoạn 2 cắt cơn, giai đoạn 3 điều trị, thì chưa đủ 12 tháng đã ra trại cai nghiện. Quy định không quá 12 tháng dẫn đến vận dụng rất tùy tiện. Có trường hợp vào 3 đã cho ra, có trường hợp thì tháng 6 tháng, 12 tháng. Do đó, không giải quyết được vấn đề, mà trên thực tiễn khi ra trại cai nghiện, có đến 90-95% tái nghiện. Vừa cắt cơn xong, chưa được điều trị vật lý trị liệu, chưa được phác đồ điều trị cho đến nơi đến chốn. Do đó, hầu hết tái nghiện".
Quang cảnh phiên họp
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn băn khoăn về quy định kéo dài thời gian cai nghiện cho trẻ vị thành niên và đề nghị đảm bảo quyền học tập, ngoài việc cai nghiện ma túy bắt buộc cũng cần có quyền tiếp cận văn hóa, giáo dục cho trẻ vị thành niên.
"Quy định là từ 24 đến 36 tháng, với khoảng thời gian như vậy mà không có nội dung liên quan đến hỗ trợ học tập, tức là học sinh sẽ thôi học, bỏ học hoàn toàn. Điều này cũng là trách nhiệm và khó cho cơ sở quản lý người nghiện, cai nghiện; nhưng cũng nên có nội dung để khuyến khích người cai nghiện duy trì các hình thức học online hay tự học. Đối với việc cai nghiện tại các trường giáo dưỡng, đề nghị phân biệt các nhóm đối tượng nghiện, có thể nhóm đưa vào trường giáo dưỡng và có nhóm tại các không gian khác", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, phải thể hiện coi trọng phòng ngừa hơn là đi xử lý hậu quả: "Ngăn chặn, đầy lùi tội phạm ma túy xuất phát từ cai nghiện. Người nghiện càng tăng thì nhu cầu ma túy càng tăng. Cầu tăng thì cung sẽ tăng. Ngăn chặn đầy lùi tội phạm ma túy thì chính là ngăn chặn, đẩy lùi sự phát triển nguồn cầu ma túy. Đồng thời thể chế hóa quan điểm mới của Đảng, đó là khi đã nghiện ma túy là phạm tội, để ứng xử phù hợp với tội phạm. Tuy nhiên, chú ý đến vấn đề nhân đạo, phòng chống này khi người nghiện ma túy là trẻ vị thành niên thì đảm bảo quyền được học tập, rèn luyện".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lý lịch tư pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, dự án Luật quy định chuyển sang Bộ Công an quản lý về lý lịch tư pháp là bước giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, thưc hiện tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả. Thủ tướng đề nghị Bộ Công an tiếp tục tham khảo các quy định của quốc tế, các chuyên gia, đối tượng chịu tác động để hoàn thiện dự án Luật, đảm bảo thực thi khi ban hành.
Cho ý kiến vào Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị làm rõ các vướng mắc về tài sản nhà nước đầu tư sân bay, đánh giá tài sản, về quy hoạch, thiết kế sân bay... Thủ tướng đề nghị quy định rõ, phân định về sân bay lưỡng dụng, không lưỡng dụng. Tuân thủ các cam kết quốc tế, vận dụng tối đa, hiệu quả nhất có thể. Đề nghị Bộ Tài Chính quy định về giá vé máy bay, trong thực tiễn nếu có phát sinh, ảnh hướng đến nền kinh tế thì Chính phủ quy định. Đối với hoạt động bay không bình thường, ảnh hưởng đến chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ thì được dùng các biện pháp ngăn chặn.
Các đại biểu dự phiên họp
Cũng trong sáng 23/7, cho ý kiến vào Dự án Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng đề nghị thiết kế các công cụ để quản lý, nhưng đồng thời tạo tiện ích cho người tiêu dùng; đặc biệt chú ý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như về thuốc, thực phẩm chức năng và có công cụ xử lý, chống thất thu thuế. Thủ tướng đề nghị phạt nặng việc trốn thuế, thậm chí truy tố trước pháp luật.
Với dự án Luật Giáo dục đại học (thay thế) và dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp (thay thế), Thủ tướng nhấn mạnh một số quan điểm, yêu cầu: Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quản lý hiện đại, các bộ, ngành tập trung thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước, kiến tạo phát triển; giáo dục có tính liên thông, khuyến khích học tập suốt đời; khuyến khích, chú trọng đào tạo các ngành cơ bản; có chế độ đào tạo chuyên khoa, đặc thù như pháp y, truyền nhiễm, các ngành nghệ thuật…; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về công nhận trình độ đào tạo, học hàm, học vị, trong đó có các lĩnh vực chuyên sâu; bộ, ngành Trung ương quản lý, hướng dẫn về chuyên môn từ Trung ương tới địa phương, còn quản lý cơ sở vật chất và con người thì phân cấp cho ai quản lý tốt nhất; nâng cao chất lượng các đại học, thích ứng nhanh với các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, gắn nghiên cứu, đào tạo với đổi mới sáng tạo, sản xuất kinh doanh.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm là cơ bản tháo gỡ các vướng mắc thể chế, pháp luật trong năm 2025, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân, đưa thể chế từ "điểm nghẽn của điểm nghẽn" thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng đề nghị rà soát kỹ, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, giảm khâu trung gian, loại bỏ tình trạng cấp trên "hợp thức hóa" cho cấp dưới.
Theo đó, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật cần bảo đảm mục tiêu vừa kịp thời về thời gian, tiến độ, vừa nâng cao chất lượng: Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm nguyên tắc pháp lý cao nhất; các công cụ pháp lý phải sát thực tế, tinh thần chiến đấu cao, tính khả thi, tính hiệu quả. Quá trình tiếp thu cần cầu thị lắng nghe các ý kiến, phát huy dân chủ trong thảo luận, tạo sự đồng thuận sâu rộng; chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chuyên trách ngay từ khi khởi thảo các hồ sơ chính sách, dự án luật. Thủ tướng đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội
Lại Hoa/VOV