Thủ tướng nêu 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thủ tướng nêu 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
4 giờ trướcBài gốc
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia diễn ra sáng nay (13/1/2025). Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội tới 15.345 điểm cầu trên toàn quốc với sự tham dự của hơn 978.500 đại biểu tham dự Hội nghị.
Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự Hội nghị. Ảnh: Chinhphu.vn
Theo Thủ tướng, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rất tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Tính chung cả năm, đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực, được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Những điểm sáng nổi bật là: Đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu; GDP năm 2024 tăng 7,09% (chỉ tiêu Trung ương, Quốc hội giao là 6 - 6,5%); kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát (3,63%); các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nhất là thu ngân sách nhà nước (vượt thu 337 nghìn tỷ đồng). Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân được nâng lên (chỉ số hạnh phúc của Việt Nam theo xếp hạng của Liên hợp quốc tăng 11 bậc trong năm 2024). Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tăng cường: Đối ngoại, hội nhập quốc tế tạo được môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Đồng thời, nhấn mạnh KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Qua đó, giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; là "chìa khóa" để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo những nội dung chủ yếu Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Ảnh: VOV
Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Để hiện thực hóa khát vọng ấy, chúng ta không có con đường nào khác ngoài việc dồn toàn lực cho KHCN, ĐMST và CĐS. Đây không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới” - Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Về công tác chỉ đạo điều hành, Thủ tướng lưu ý, ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tỉnh thần “5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả”.
Ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm chất lượng và thời gian theo quy định. Đây là Chương trình hành động tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.
Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được đưa vào chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng báo cáo về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, nhất là 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó:
Nhóm 1: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Việc quán triệt và triển khai hiệu quả nhóm nội dung này là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết, đòi hỏi chúng ta phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chỉ khi từng tổ chức, mỗi cá nhân đều nhận thức rõ vai trò của KHCN, ĐMST và CĐS, chúng ta mới có thể tạo ra những bước tiến đột phá, xây dựng nền kinh tế vững mạnh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo nền tảng vững chắc, giúp nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhóm 2: Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: VOV
Đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS; như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo là phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới”, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhóm 3: Tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS. Trong đó, tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS là một chiến lược mang tính nền tảng, trong đó hạ tầng đóng vai trò là yếu tố cốt lõi để tạo đà bứt phá cho đất nước; đầu tư cần được thực hiện một cách đồng bộ, liên kết mạnh mẽ giữa các ngành, các lĩnh vực. Ưu tiên phát triển hạ tầng số với phương châm "hạ tầng số phải luôn đi trước một bước", để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế số, xã hội số.
Đây chính là nền tảng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như: công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ..., góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững” - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.
Nhóm 4: Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, ĐMST và CĐS.
Cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công. Nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội”, Thủ tướng nêu rõ.
Nhóm 5: Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chốt để nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động của các cơ quan nhà nước sẽ tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần kiến tạo một Chính phủ số tinh gọn, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. CĐS sẽ là "chìa khóa vàng" để tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao năng lực điều hành, dự báo và ra quyết định chính xác, kịp thời trên mọi lĩnh vực, từ KTXH đến quốc phòng - an ninh.
Đặc biệt, trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng phức tạp, việc ứng dụng KHCN để bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao càng trở nên cấp thiết. Đây chính là nền tảng để xây dựng một xã hội số an toàn, văn minh, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ”, Thủ tướng chỉ ra.
Nhóm 6: Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp.
Trong tiến trình hình thành và phát triển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhận thức rõ vai trò then chốt này, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều chính sách "mở đường" cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh, tiếp cận và làm chủ công nghệ số, ứng dụng KHCN vào hoạt động sản xuất kinh doanh; các doanh nghiệp lớn phải đóng vai trò dẫn dắt, tiên phong. Các chính sách này sẽ thổi luồng sinh khí mới, tạo động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp tự tin chuyển mình, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nhóm 7: Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Trong đó, hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế.
Nghị quyết 57-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 22/12/2024, nhấn mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thanh Bình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thu-tuong-neu-7-nhom-nhiem-vu-trong-tam-ve-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-369295.html