Sáng 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, chủ trì phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. Ảnh: VGP.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương đã làm tốt, đặc biệt là Bộ Quốc phòng trong phát triển công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu, sản xuất, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại; Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, cùng sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, như phân cấp, phân quyền chưa triệt để; nhiều nhiệm vụ tại triển khai còn chậm tiến độ, chưa có sự chuyển biến rõ nét.
Theo Thủ tướng, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa chủ động đăng ký nhu cầu kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải cách hành chính và Đề án 06; chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức tới cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao.
Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân chủ yếu là do người đứng đầu và nhấn mạnh, người đứng đầu phải sát việc, quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc, trăn trở với công việc, nơi nào cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu dành nhiều thời gian, công sức cho công tác này thì công việc tiến bộ, có kết quả rõ rệt; nơi nào người đứng đầu tinh thần trách nhiệm chưa cao, nỗ lực chưa lớn, còn lơ là, thậm chí qua loa, đại khái thì công việc chậm chạp.
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VGP.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, phải quyết tâm tăng tốc và bứt phá, thay đổi trạng thái, xoay chuyển tình hình, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 (tăng trưởng GDP đạt ít nhất 8%) và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng 2 con số.
"Phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tác phong, lề lối làm việc theo hướng khoa học, chuyên nghiệp, hiện đại với phương châm Bộ máy tinh gọn - Dữ liệu kết nối - Quản trị hiện đại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược số, gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số; đẩy mạnh nguồn lực thực hiện KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng chi cho khoa học công nghệ lên 3% chi ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng đồng thời kêu gọi sự tham gia tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân cả về nguồn lực, xây dựng và hoàn thiện thể chế, tạo động lực, truyền cảm hứng.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, động lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội.
Tiếp tục triển khai tổ chức thực chất, rộng khắp các phong trào thi đua trong toàn quốc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nhân dân (nhất là phong trào "Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số" và "Bình dân học vụ số").
Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bảo đảm nguồn lực cho KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, có cơ chế ưu tiên để huy động nguồn lực.
Thủ tướng giao Bộ Công an sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Nghị định quy định hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ dữ liệu, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Bộ Công an phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để tăng cường quản lý Nhà nước, phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.
Bộ Tài chính xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam phù hợp với phương án sắp xếp tổ chức bộ máy sáp nhập tỉnh, tổ chức chính quyền hai cấp, hoàn thành trong tháng 6/2025.
Sớm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền chính sách thí điểm thị trường tài sản mã hóa. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung số hóa toàn diện và đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Theo báo cáo tại phiên họp, trong 4 tháng đầu năm 2025, chuyển đổi số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ.
Dịch vụ 5G được đẩy mạnh, trên toàn quốc đã xây dựng 11.500 trạm BTS. Tốc độ internet di động tăng mạnh, vào top 20 thế giới.
Thương mại điện tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng 22%. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, tăng 28,7%; máy bán hàng, thiết bị chấp nhận thẻ được triển khai mạnh mẽ, tăng 29,8%; 70% người tiêu dùng ở các thành phố lớn đã sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hằng ngày.
Công nghiệp ICT có bước phát triển khá (xuất khẩu sản phẩm công nghệ số 4 tháng đầu năm 2025 đạt 49,4 tỷ USD, tăng 16,2%; doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 423.300 tỷ đồng, tăng trưởng 44,4%).
Công tác quản lý thuế, hóa đơn điện tử trong 4 tháng đầu năm 2025 đã xử lý 1,3 tỷ hóa đơn, tăng 15%; thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng mạnh, đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 19%.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh, hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện; kích hoạt trên 63,4 triệu tài khoản định danh điện tử; cung cấp 43 tiện ích trên ứng dụng VNeID, tăng 12 tiện ích so với cuối năm 2024; làm sạch 12,8 triệu dữ liệu giấy phép lái xe.
Đã triển khai 58/76 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu; 200 thủ tục hành chính có thể cắt giảm thành phần hồ sơ.
Tích hợp Sổ sức khỏe điện tử và Bệnh án điện tử với trên 15,5 triệu thông tin công dân; đưa vào hoạt động Hệ thống điều phối dữ liệu y tế (với 172 cơ sở khám, chữa bệnh tại 29 địa phương sử dụng Bệnh án điện tử); mở rộng triển khai Học bạ số. Đã có trên 2,9 triệu đối tượng chính sách được nhận trợ cấp an sinh xã hội và 80% người dân nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản.
Linh Đan