Thủ tướng Nhật Bản đối mặt sức ép lớn sau 'phán quyết khắc nghiệt'

Thủ tướng Nhật Bản đối mặt sức ép lớn sau 'phán quyết khắc nghiệt'
8 giờ trướcBài gốc
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 21/7, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã gửi lời xin lỗi đảng LDP nhưng khẳng định sẽ vẫn tiếp tục tại nhiệm để không làm gián đoạn các cuộc đàm phán thương mại quan trọng với Mỹ, cam kết theo đuổi thỏa thuận thuế quan với Washington trước dấu mốc 1/8.
Cử tri Nhật Bản hôm 20/7 đã đi bỏ phiếu trong một kỳ bầu cử Thượng viện đầy căng thẳng, được xem là phép thử chính trị quan trọng đối với Thủ tướng Ishiba Shigeru. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Thượng viện đạt 58,51%, cao hơn mức 52,05% được ghi nhận trong cuộc bầu cử Thượng viện trước đó vào năm 2022.
Tuy vậy, liên minh cầm quyền của ông phải chứng kiến thất bại nặng nề. Cụ thể, đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba Shigeru - đảng cầm quyền tại Nhật Bản trong phần lớn lịch sử sau chiến tranh, và đối tác liên minh Công minh (Komeito) chỉ giành được 47/50 ghế cần thiết để duy trì quyền kiểm soát Thượng viện gồm 248 ghế. Mặc dù kết quả này không có ý nghĩa quyết định vận mệnh đối với chính phủ Nhật Bản hiện nay, nhưng lại khiến Thủ tướng Ishiba Shigeru và chính phủ thiểu số của ông rơi vào một tình thế khó khăn hơn.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra sáng 21/7. Nguồn: Reuters
Trước đó, hồi tháng 10/2024, liên minh của ông Ishiba cũng đánh mất đa số ghế trong cuộc bầu cử tại Hạ viện. Ông Rintaro Nishimura, một chuyên gia tại công ty tư vấn The Asia Group nhận định rằng kết quả này là một sự khiển trách rõ ràng của cử tri đối với ông Ishiba Shigeru và chính phủ của ông.
Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra sáng 21/7, Thủ tướng Ishiba Shigeru đã gửi lời xin lỗi đảng LDP, cho rằng kết quả bầu cử Thượng viện là một "phán quyết khắc nghiệt". Tuy nhiên, ông cho biết vẫn tiếp tục tại nhiệm và cam kết theo đuổi thỏa thuận thuế quan với Mỹ.
Thủ tướng Ishiba Shigeru nói: “Đây là một thực tế khó khăn cần phải đón nhận một cách nghiêm túc, khiêm cung. Trong hoàn cảnh hiện tại, việc các chính đảng khác đồng hành với chính phủ là điều rất cần thiết. Và, như tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, Nhật Bản đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề như vật giá leo thang, tăng trưởng kinh tế, môi trường an ninh khắc nghiệt, phòng chống thiên tai… Giải quyết các vấn đề này, ngoài trách nhiệm của cá nhân tôi và chính phủ, còn là trách nhiệm của các chính đảng. Tôi mong tất cả mọi người ý thức được vấn đề và đồng hành với chính phủ trong thời gian tới”.
Ông Ishiba Shigeru khẳng định vẫn tiếp tục tại nhiệm để hoàn thành những nhiệm vụ cấp thiết và một trong những ưu tiên của ông là việc đàm phán về thuế quan với Mỹ. Chia sẻ với báo giới, ông Ishiba cho biết muốn trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump càng sớm càng tốt, để có thể tìm giải pháp. Nhật Bản hiện đối mặt với thời hạn đến ngày 1/8 để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, nếu không sẽ phải chịu thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực.
Được biết, cũng trong ngày 21/7, trưởng đoàn đàm phán thuế quan của Nhật Bản Ryosei Akazawa đã lên đường sang Washington, đánh dấu chuyến công du thứ tám của ông trong vòng ba tháng qua. Tới thời điểm này, chính quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru vẫn chưa đạt tiến triển rõ rệt trong việc ngăn chặn mức thuế mới mà Mỹ - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, dự kiến áp đặt. Truyền thông nước này cho rằng, dù Nhật Bản vẫn được xem là đồng minh thân cận của Mỹ tại châu Á, nhưng các động thái cứng rắn của Washington thời gian qua đã khiến niềm tin của người Nhật lung lay.
Áp lực này càng lớn hơn trong bối cảnh lạm phát hơn 3% - mức cao nhất trong ba thập kỷ qua, đang bào mòn thu nhập của người dân, trong đó giá gạo - mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân Nhật, đã tăng gấp đôi so với năm ngoái do mất mùa. Tuy vậy, LDP vẫn kêu gọi thắt chặt tài khóa và bác bỏ đề xuất cắt giảm thuế cũng như tăng chi tiêu phúc lợi từ phe đối lập. Trước đó, ông Ishiba Shige khẳng định không có kế hoạch mở rộng liên minh cầm quyền, song sẽ hợp tác với các đảng đối lập để giải quyết những lo ngại của cử tri về vấn đề lạm phát leo thang, nhấn mạnh những thay đổi về thuế sẽ không mang lại sự hỗ trợ tức thời mà các hộ gia đình cần.
Theo các nhà quan sát, chính quyền của Thủ tướng Ishiba Shigeru giờ đây sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đảng đối lập để thông qua chính sách. Nhà kinh tế học hàng đầu về Nhật Bản của Oxford Economics Norihiro Yamaguchi nhận định: “Tình hình chính trị đã trở nên bất ổn và có thể dẫn đến những xáo trộn liên minh trong những tháng tới”.
Nếu việc thỏa hiệp không thành dẫn đến bế tắc lập pháp, khiến việc thông qua ngân sách, các hiệp ước và thỏa thuận thương mại trở nên khó khăn hơn, nguy cơ giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử sớm là điều không thể loại trừ - một kịch bản mà không ai trong liên minh cầm quyền mong muốn. Ngoài ra, dù tuyên bố không từ chức, ông Ishiba Shigeru không thể xem nhẹ các phản ứng từ chính nội bộ đảng LDP. Truyền thông Nhật Bản cho biết, một số nhóm nghị sĩ bảo thủ trong LDP đang không hài lòng với cách điều hành hiện tại và có thể ủng hộ phương án khác nếu uy tín của chính phủ tiếp tục sụt giảm.
Giới chuyên gia cũng lưu ý rằng, cuộc bầu cử lần này chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đảng dân túy cánh hữu, đặc biệt là đảng Sanseito do ông Sohei Kamiya lãnh đạo. Đảng Sanseito đã đạt được thành quả lớn khi giành thêm 14 ghế so với chỉ một ghế trong nhiệm kỳ trước đó. Với thông điệp “Người Nhật trên hết” và các chính sách chống nhập cư, đảng này đang thu hút đáng kể cử tri trẻ. Tóm lại, trong những tháng tới, Nhật Bản sẽ không chỉ cần một nhà lãnh đạo biết đàm phán với Washington hay cân đối ngân sách, mà còn cần một chính phủ có khả năng phục hồi niềm tin công chúng, hàn gắn chia rẽ chính trị, và điều hướng đất nước qua những chuyển động địa – kinh tế ngày càng phức tạp. Nếu không làm được điều đó, thất bại bầu cử lần này sẽ không chỉ là một cú vấp, mà có thể là khởi đầu cho một thời kỳ xáo trộn sâu sắc hơn.
Kim Khánh
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/the-gioi-24h/thu-tuong-nhat-ban-doi-mat-suc-ep-lon-sau-phan-quyet-khac-nghiet-i775524/