Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày về Nghị quyết 68 tại Hội nghị.
Sáng 18/5, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tại hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Thủ tướng trước hết nhấn mạnh, Nghị quyết 68 được xây dựng, ban hành rất nhanh dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm. Trong vòng 13 ngày, sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết để thể chế hóa và triển khai. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kịp thời, nhanh chóng nhưng cũng rất chu đáo, chất lượng, với tinh thần làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dưới sự chỉ đạo, quan tâm của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư.
Thủ tướng tập trung trình bày 5 nhóm nội dung chủ yếu: (1) Khái quát thực trạng khu vực kinh tế tư nhân; (2) Các nội dung cốt lõi của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; (3) Các nội dung chủ yếu của Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ; (4) Các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; (5) Tổ chức thực hiện.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
KINH TẾ TƯ NHÂN NGÀY CÀNG CÓ VAI TRÒ QUAN TRỌNG
Khái quát về thực trạng khu vực kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho biết trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân đã được thể hiện rất rõ tại các Văn kiện Đại hội Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân.
Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) khẳng định sự tồn tại của kinh tế tư nhân gắn với nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó nêu rõ "sử dụng kinh tế tư bản tư nhân trong một số ngành, nghề".
Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) cho phép kinh tế tư nhân "phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm".
Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996) thừa nhận vai trò kinh tế tư nhân "kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước".
Đại hội Đảng lần thứ IX (năm 2001) nhìn nhận cởi mở hơn về kinh tế tư nhân: "khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm".
Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006) xác định kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng và yêu cầu: xóa bỏ mọi rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) xác định rõ vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân và yêu cầu "hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế".
Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) và Đại hội Đảng lần thứ XIII (năm 2021) khẳng định và nhấn mạnh "hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh v ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế".
Thủ tướng cho biết, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về kinh tế tư nhân, nổi bật là Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân"; Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN"; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới".
Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành gần 60 luật, hơn 40 nghị quyết, pháp lệnh, 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Chính phủ ban hành khoảng 1.000 nghị định có liên quan đến kinh tế tư nhân.
Giai đoạn 2021 đến nay, khu vực kinh tế tư nhân gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người lao động. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp rất kịp thời và tương đối toàn diện với các chính sách về giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, khoanh nợ, hoãn nợ…
Đồng thời, Chính phủ đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân trên các lĩnh vực (tiêu biểu như Đề án phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ...).
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Về kết quả đạt được, Thủ tướng đánh giá quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong gần 40 năm qua có thể được khái quát thành 5 giai đoạn:
(1) Giai đoạn 1986 - 1999: hình thành và được thừa nhận;
(2) Giai đoạn 2000 - 2005: Khởi sắc với Luật Doanh nghiệp;
(3) Giai đoạn 2006 - 2015: Hội nhập và mở rộng;
(4) Giai đoạn 2016 - 2024: Khởi nghiệp bùng nổ và là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế;
(5) Giai đoạn từ năm 2025 trở đi: Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Cụ thể, Thủ tướng cho biết số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5.000 doanh nghiệp năm 1990 lên 50.000 doanh nghiệp năm 2000, và 200.000 năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.
Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực kinh tế tư nhân sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.
Tỷ trọng vốn đầu tư của kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều đóng góp quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Mục tiêu phát triển kinh tế tư nhânđề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.
Gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV), siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; năng suất lao động thấp hơn khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI thấp (chỉ khoảng 21%).
Tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân đạt khoảng 10 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2024, thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng, phản ánh tình trạng khó khăn do biến động bất lợi của tình hình quốc tế, trong nước.
Việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đối với DNNVV (chiếm gần 98% số lượng doanh nghiệp nhưng tiếp cận chưa đến 20% tổng dư nợ tín dụng). Các doanh nghiệp tư nhân chiếm chưa đến 10% tổng vốn hóa thị trường chứng khoán.
Kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế (chỉ có 18% doanh nghiệp có kết nối chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó doanh nghiệp lớn chiếm đến 62%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế (cạnh tranh thiếu lành mạnh, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng, vi phạm hợp đồng…). Một số doanh nghiệp tư nhân còn tham gia vào buôn lậu, trốn thuế, thao túng thị trường, găm hàng, đội giá…
Qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng chỉ rõ những bất cập mang tính căn cơ: Nhận thức về kinh tế tư nhân còn hạn chế, quan điểm chưa cởi mở; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn bất cập; tổ chức thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về kinh tế tư nhân chưa thực sự kịp thời, hiệu quả; một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự chủ động, linh hoạt, tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên.
Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phân tích nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, Thủ tướng cho rằng Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn, sức chống chịu còn hạn chế. Thể chế, pháp luật vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn". Thủ tục hành chính còn vướng mắc; chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2023 xếp hạng 70/190 quốc gia, thấp hơn một số nước trong khu vực.
Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; thủ tục đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch; một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khó thực hiện (như hỗ trợ đầu tư nghiên cứu phát triển, ưu đãi thuế, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp…).
Năng lực nội tại của kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhất là về vốn, quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng các mô hình kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tính "xin - cho"; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí.
Khái quát ngắn gọn, Thủ tướng cho rằng phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, từ nhận thức tới định hướng, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước, vấn đề tổng kết, tôn vinh kinh tế tư nhân… tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và chưa tương xứng với mong muốn của chúng ta.
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt câu hỏi Chính phủ có lộ trình như thế nào để số hóa dữ liệu về các quy định trong hệ thống pháp luật, tiến độ giải quyết pháp lý, giúp doanh nhân tra cứu dễ dàng hơn - Ảnh VGP/Nhật Bắc.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền cho rằng việc Nghị quyết xác định "kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia" là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá, với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, xóa bỏ triệt để quan điểm, nhận thức, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân nước ta những năm qua và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng đúc kết một số bài học kinh nghiệm.
Thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ hai, nâng cao vai trò kiến tạo, dẫn dắt của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy "không quản được thì cấm" để phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Thứ ba, bảo đảm kinh tế tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí thủ tục hành chính.
Thứ tư, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Thứ năm, tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Nghị quyết 68 tại Hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Phân tích yêu cầu về chính sách đột phá phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng chỉ rõ các yếu tố khách quan từ tình hình thế giới và yêu cầu chủ quan. Trong bối cảnh mới nhiều khó khăn, thách thức, những cũng có cơ hội mới, thời cơ mới cho phát triển đất nước, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH đã đề ra, nhất là hai mục tiêu chiến lược 100 năm, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn; quyết liệt hành động mạnh mẽ hơn, khơi thông mọi động lực cho phát triển đất nước; đặc biệt là sự cấp thiết phải xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển kinh tế tư nhân để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thường xuyên xin ý kiến và nhận sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư; huy động sự tham gia ý kiến tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp.
Trong một thời gian ngắn (2 tháng) đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW; trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.
Cùng với đó, chúng ta cũng đang tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tạo không gian phát triển mới, cắt giảm đầu mối, khâu trung gian, tăng cường cho cơ sở, cắt giảm thủ tục, chuyển mạnh từ trạng thái thụ động sang chủ động phục vụ người dân và doanh nghiệp.
5 QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO MANG TÍNH ĐỘT PHÁ
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là:
(1) Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
(2) Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong nhân dân.
(3) Xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
(4) Tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
(5) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Cho rằng cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nhấn mạnh "thương trường là chiến trường", cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các chiến sỹ trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thăm các gian trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Để đạt được các mục tiêu đề ra tới năm 2030, 2045, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 04 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, gồm: (1) Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; (2) Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; (3) Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thực thi pháp luật; (4) Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng cho biết nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển kinh tế tư nhân hiện nay. Đó là: (1) Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; (2) Cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; (3) Tăng cường tiếp cận các nguồn lực; (4) Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; (5) Tăng cường kết nối doanh nghiệp; (6) Phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; (7) Hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; (8) Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Nhóm thứ nhất, đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng nêu rõ, đây là yêu cầu trước hết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tư nhân; yêu cầu các cơ quan truyền thông, báo chí chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin tuyên truyền (cổ vũ, lan tỏa những mô hình tốt, cách làm hay, khích lệ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân; nghiêm cấm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, doanh nhân).
Nhóm 2, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân phát triển. Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quá giữa giữa các bộ, ngành, địa phương; chủ động kiến tạo một môi trường thể chế thuận lợi nhất; tập trung giải quyết về bản chất những vấn đề cốt lõi nhất về bảo đảm quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng, thực thi hợp đồng; phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Về cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ các rào cản tiếp cận thị trường; tạo mọi thuận lợi trong giải quyết thủ tục hành chính. Chuyển từ nền hành chính công vụ, quản lý là chủ yếu sang phục vụ và kiến tạo phát triển, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Không phân biệt đối xử giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác trong huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực; hoàn thiện thể chế, có cơ chế, chính sách đặc biệt thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Về phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, Nghị quyết nêu rõ: Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án. Bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án. Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhóm 3 là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhântiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Theo Thủ tướng, đây cũng là điểm mới của Nghị quyết, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể đối với những vấn đề đang vướng mắc.
Theo đó, tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân; đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
Nhóm 4 là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân, với các cơ chế, chính sách đột phá.
Đơn cử, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển bằng 200% chi phí thực tế; trích tối đa 20% thu nhập tính thuế thu nhập doanh nghiệp để lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; được sử dụng quỹ để tự triển khai hoặc đặt hàng nghiên cứu phát triển bên ngoài theo cơ chế khoán sản phẩm.
Nhóm 5 là tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Nhóm 6 là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu. Đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả các hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân thông qua các mô hình "lãnh đạo công - quản trị tư", "đầu tư công - quản lý tư", "đầu tư tư - sử dụng công".
Xây dựng, triển khai chương trình phát triển 1.000 doanh nghiệp tiêu biểu, tiên phong trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh; Chương trình vươn ra thị trường quốc tế (Go Global)…
Nhóm 7 là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh.
Trong đó, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, nhất là cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.
Nhóm 8 là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Theo đó, tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng.
Thiết lập mối quan hệ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền với doanh nghiệp tư nhân chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành; phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. Xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và phát triển Đảng trong khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, các Ban Đảng ở Trung ương, Đảng ủy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương trong triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW.
Về Kế hoạch hành động của Chính phủ, Thủ tướng cho biết, Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Phương châm đặt ra là phải tập trung thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết định, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm. Phân công nhiệm vụ phải bảo đảm cụ thể, rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện với tinh thần "6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả".
Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 8 nhóm nhiệm vụ với 117 nhiệm vụ cụ thể, giao cho từng bộ, ngành, các địa phương chủ trì hoặc phối hợp triển khai thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với thời hạn, kết quả cụ thể.
Thủ tướng cũng cho biết, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 198/2025/ QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân với một số nội dung chủ yếu: Về cải thiện môi trường kinh doanh; về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; về hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; về hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; về hỗ trợ hình thành doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong; về điều khoản thi hành.
Ngay trong ngày 17/5/2025, Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 139/NQ-CP về Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể với thời hạn cụ thể cho các bộ, cơ quan, địa phương để tập trung triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả ngay từ thời điểm ban hành.
Vy Vy