Sáng 16/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các xã, phường, đặc khu trên cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tăng trưởng 8,3-8,5% năm 2025 không là 'mục tiêu bất khả thi’ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025.
Theo đó, kịch bản 1 xác định tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8%. Cụ thể, tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Với kịch bản 2 (tăng trưởng cả năm 2025 đạt 8,3-8,5%), Bộ ước tính tăng trưởng quý III đạt 8,9-9,2% so với cùng kỳ (cao hơn kịch bản 0,6-0,9%); quý IV đạt 9,1-9,5% (cao hơn kịch bản 0,7-1,1%). Quy mô GDP năm 2025 khoảng trên 510 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành các bộ, ngành, địa phương phấn đấu thực hiện theo kịch bản 2 (8,3-8,5%), tạo đà cho tăng trưởng năm 2026 đạt 10% trở lên.
Để đạt mức tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025, Bộ Tài chính cho biết cần huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng cuối năm là khoảng 111 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước đạt 8%.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 700.000 tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung năm 2025 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng).
Đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản thống nhất những định hướng theo báo cáo của Bộ Tài chính; khẳng định mục tiêu tăng trưởng 8,3-8,5% trong năm 2025 hoàn toàn có khả năng thực hiện để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để tự tin bước vào giai đoạn 2026-2030, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược của cả giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá bối cảnh, tình hình thời gian tới, nhất là những khó khăn, thách thức, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn trong thúc đẩy tăng trưởng; thảo luận các kịch bản, mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của từng địa phương, ngành, lĩnh vực; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp đột phá, trọng tâm, tác động mạnh mẽ và hiệu quả trong ngắn hạn, dài hạn; kiến nghị cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của cả nước, từng địa phương, ngành, lĩnh vực.
Thủ tướng nêu rõ các mục tiêu chủ yếu gồm: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng dưới 4,5%, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt từ 8,3-8,5% và năm 2026 đạt 10% trở lên, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tổng đầu tư xã hội năm 2025 khoảng 2,8 triệu tỷ đồng; trong đó đầu tư công khoảng 1 triệu tỷ đồng và các nguồn khác khoảng 1,8 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải mục tiêu bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm nay thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Chỉ rõ 16 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó, phân công "6 rõ": rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Các đại biểu dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo ổn định tỷ giá, phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và sinh kế cho người dân, kiểm soát dòng vốn tín dụng đi vào các động lực tăng trưởng của nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhà ở xã hội.
Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, hiệu quả, thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100%; bảo đảm tổng đầu tư toàn xã hội tăng khoảng 11-12% so với năm 2024. Mở rộng nguồn thu, đẩy mạnh tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu Chính phủ dài hạn phục vụ các động lực tăng trưởng, các công trình trọng điểm quốc gia, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thủ tướng lưu ý, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ, thúc đẩy, nương tựa nhau để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.
Về thực hiện 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành các mục tiêu về đường cao tốc, đường ven biển, khởi công các dự án đường sắt; các địa phương được giao công trình, dự án cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan tháo gỡ các nút thắt về thể chế. Về nhân lực, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Các Bộ: Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện các dự thảo nghị quyết về đột phá phát triển y tế, giáo dục, văn hóa để trình Bộ Chính trị ban hành.
Về nông nghiệp, Thủ tướng lưu ý bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm, mở rộng xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ…
Về văn hóa – du lịch, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; có chính sách visa phù hợp đi đôi với đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch để đạt mục tiêu 25 triệu du khách trong năm 2025.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải phấn đấu tăng trưởng cao, cao hơn trung bình cả nước, đạt mức trên dưới 10% trong năm nay, trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Các địa phương phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại theo tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa 3 trụ cột gồm: Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh và đối ngoại; vừa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, vừa giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, vừa mở rộng đối ngoại và hội nhập.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp, tiếp thu các ý kiến đóng góp, để sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ để điều chỉnh, giao mục tiêu tăng trưởng quý III, quý IV và 6 tháng cuối năm của cả nước, từng địa phương, ngành, lĩnh vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về an sinh xã hội, tập trung xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc trước ngày 31/8, trong đó xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng trước ngày 27/7; quyết liệt, hiệu quả triển khai chương trình nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội, tạo sự đồng thuận về nhận thức, tầm nhìn, hành động và tổ chức thực hiện.
Thủ tướng chỉ đạo thiết lập cơ chế giám sát, đánh giá, tổng kết linh hoạt, định kỳ và điều chỉnh phù hợp. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, gần dân, sát dân, tất cả vì nhân dân phục vụ, giải quyết ngay các công việc, vấn đề cho nhân dân tại cơ sở.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành trình nghị quyết của Chính phủ để giải quyết các vướng mắc liên quan quy hoạch, vốn ODA, giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường, hoàn thành trong tháng 7.
Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, nhưng không để ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về chỉ tiêu tăng trưởng bảo đảm sát tình hình, mang tính cụ thể, tính khả thi, tính chiến đấu cao, tính hệ thống và đồng bộ, tính hiệu quả để bảo đảm mục tiêu đề ra.
LĐ