Ngày 3/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6 năm 2025. Hội nghị được thực hiện trực tuyến đến 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và kết nối đến 3.321 xã, phường, đặc khu trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương tháng 6 năm 2025
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ: tính chung 6 tháng, tăng trưởng kinh tế đạt 7,31%, cao nhất cùng kỳ 20 năm qua. Đến hết tháng 6, GDP 6 tháng tăng khoảng 7,5-7,6%, bám sát kịch bản đã đề ra là 7,6%, đây là kết quả hết sức phấn khởi. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; bội chi, nợ công thấp hơn nhiều so với ngưỡng cảnh báo; Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ phát triển tích cực. Cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp đã cơ bản đạt được mục tiêu, trong thời gian ngắn đã kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm hoạt động thông suốt, không để gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp. Sau khi sắp xếp Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền nhằm kịp thời hướng dẫn xử lý các vướng mắc.
Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nói: "Sau sắp xếp, cấp tỉnh giảm 18,5 nghìn biên chế; cấp xã giảm 110 nghìn biên chế, kết thúc hoạt động 120 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Giai đoạn 2026-2030 dự kiến tiết kiệm chi ngân sách nhà nước 190 nghìn tỉ đồng, chưa kể chi phí gián tiếp khác".
Tại Hội nghị, đại diện thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk... nêu bật các kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm và các biện pháp, giải pháp để đạt tăng trưởng 8% trong năm nay và 2 con số những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được bày tỏ quyết tâm giữ mục tiêu tăng trưởng 8-8,5% của thành phố trong năm nay, trong đó tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền 2 cấp: "Thành phố sẽ tập trung cho công tác và cập nhật điều chỉnh và bổ sung lại quy hoạch TP.HCM mới. Theo sự phân công mới: TP.HCM trở thành trung tâm về tài chính và công nghệ cao; Bình Dương là thủ phủ của công nghiệp; Bà Rịa Vũng Tàu là thủ phủ của kinh tế biển. Theo hướng đấy sẽ điều chỉnh lại, cập nhật lại quy hoạch. Đồng thời chuẩn bị các văn kiện của Đại hội 12 của Đảng bộ, thành phố".
Quang cảnh hội nghị
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị ủy quyền cho thành phố Hà Nội giải quyết vấn đề liên quan đến đất dịch vụ: "Liên quan đến đất dịch vụ của Hà Nội rất phức tạp và rất đa dạng. Mong Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên thụ lý sớm, báo cáo Thủ tướng sớm ủy quyền lại cho Hà Nội. Chúng tôi giải quyết thì cũng để tạo ổn định tình hình cho việc triển khai Đại hội các cấp và Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử vào tháng 3 năm sau. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì rất phức tạp, thậm chí mặc cả với chính quyền, mặc cả với cấp ủy. Đây là những điểm mà xin phép Thủ tướng ủy quyền lại cho Hà Nội, sẽ vận dụng trong thẩm quyền giải quyết, nhưng phải được sự ủy quyền".
Tại Hội nghị, đại diện xã, phường, đặc khu cũng đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện, vận hành chính quyền địa phương 2 cấp. Đại diện phường Phú Quốc, tỉnh An Giang cho biết đã kiện toàn cơ quan chuyên môn; tập trung cải cách thủ tục hành chính. Tuy nhiên, sau sắp xếp không có cơ quan thanh tra, gây khó khăn trong giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân; đồng thời đề nghị tăng định biên cho các phòng, ban chuyên môn. Đại diện phường Tân Phong, tỉnh Lai Châu đề xuất tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm dịch vụ hành chính công về giao tiếp, sử dụng phần mềm và chuyển đổi số.
Tại hội nghị, đại diện các bộ ngành cũng nêu bật các biện pháp, giải pháp để đạt tăng trưởng 8% trong năm nay và 2 con số những năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đa dạng hóa thị trường, mở rộng xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cốt lõi, hàm lượng công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất: "Tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ của bộ máy mới vận hành thông suốt hiệu quả, đặc biệt là thực hiện các nhiệm vụ mới được phân cấp, phân quyền; phân định thẩm quyền... để không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các chương trình, dự án, đề án trọng điểm và các hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư; khẩn trương rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch các cấp phù hợp với không gian phát triển mới và tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn".
Các đại biểu dự hội nghị
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, tính chung 6 tháng tốt hơn cùng kỳ năm 2024 trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, điều đáng mừng là cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt. Các địa phương đầu tầu tăng trưởng đạt kết quả tốt như thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,82%, Hà Nội tăng 7,63%.
Các địa phương tăng trưởng 2 con số như Quảng Ngãi, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh và Phú Thọ. Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ. Thu hút FDI 6 tháng đạt 21 tỷ đô la Mỹ, tăng 32%, cao nhất 15 năm qua. Hạ tầng kinh tế xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Đưa vào khai thác thêm 6 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên 2.268 km (dự kiến đến cuối năm vượt 3.000 km).
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức như sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá còn cao; Hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn; Tăng trưởng GDP 6 tháng tuy bám sát nhưng vẫn thấp hơn kịch bản đã đề ra và cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên; Buôn lậu, gian lận xuất xứ, hàng giả, không rõ nguồn gốc... và thiên tai, biến đổi khí hậu... còn diễn biến phức tạp.
Phân tích các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, Thủ tướng yêu cầu: "Chúng ta tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vận hành chính quyền 2 cấp sao cho thông suốt, nhịp nhàng, đặc biệt không để bất cứ một người dân doanh nghiệp nào không được giải quyết các thủ tục hành chính hoặc là giải quyết thủ tục hành chính kéo dài. Thứ hai, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. Thứ ba, người bệnh thì phải được khám chữa bệnh một cách chu đáo. Thứ tư, không để các dự án đang triển khai này bị đứt gãy, không có người chịu trách nhiệm. Chúng ta vẫn đảm bảo thực hiện các chương trình mục tiêu, các dự án lớn, các dự án của các cấp trước đây. Bây giờ chỉ còn 2 cấp thì chuyển tiếp này thật sự hiệu quả, không để đứt gãy không để lãng phí nguồn lực".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng cũng đề nghị tập trung thực hiện chủ động, linh hoạt các giải pháp thích ứng với chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ; Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, lượng tử, sinh học, không gian ngầm, không gian biển, vũ trụ.
Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền phối hợp chặt chẽ, tập trung xử lý 2.365 dự án vướng mắc, tồn đọng kéo dài theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị để giải phóng nguồn lực và chống lãng phí; Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số; Triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị; Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, tăng cường phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Thủ tướng giao Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì cùng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và TTXVN chú trọng hơn nữa truyền thông chính sách, xây dựng điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, tạo sức lan tỏa, đồng thuận xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Lại Hoa/VOV