Thủ tướng: Thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm nay

Thủ tướng: Thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm nay
2 ngày trướcBài gốc
Thủ tướng nhấn mạnh các dự án hoàn thành vượt tiến độ và đúng tiến độ cần được khen thưởng và chế tài xử lý theo quy định. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Tại cuộc họp về kết quả kiểm tra, đôn đốc triển khai kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc đến hết năm 2025 mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây không chỉ là mục tiêu của Đại hội XIII mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế, phát triển vùng và thu hút đầu tư.
"Mục tiêu 3.000 km cao tốc vào cuối năm 2025 là khả thi, chúng ta đã thấy hình hài con đường cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau", Thủ tướng chia sẻ, song yêu cầu các địa phương, bộ, ngành liên quan tiếp tục tăng tốc, quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ các rào cản nhằm về đích đúng hạn.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo dứt khoát đến tháng 12 năm nay phải thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng qua Lạng Sơn về Hà Nội, kết nối vào TP.HCM và kéo dài đến Cà Mau. Đây sẽ là tuyến giao thông huyết mạch, giúp kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, giảm chi phí logistics, tăng cường khả năng cạnh tranh và mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương nghiên cứu, đầu tư xây dựng tuyến cao tốc từ Cà Mau xuống cảng Hòn Khoai dài khoảng 90 km.
Thủ tướng lưu ý nghiên cứu giao việc, chỉ định thầu với những nhà thầu làm tốt tại các dự án hạ tầng lớn tiếp theo; các nhà thầu lớn giao các nhà thầu phụ, nhà thầu Trung ương kết nối các nhà thầu địa phương, chia sẻ công việc để cùng lớn mạnh và tạo thêm việc làm, sinh kế cho người dân.
Đối với các địa phương, Thủ tướng nêu rõ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Hà Giang, Bình Dương, TP.HCM đã tập trung chỉ đạo và cần thực hiện đúng cam kết hoàn thành giải phóng mặt bằng cho các dự án trước ngày 15/4.
Các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đà Nẵng, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ khẩn trương phối hợp với EVN di dời các công trình kỹ thuật điện. Lãnh đạo Bộ Công Thương được giao kiểm tra, đôn đốc ngay, phối hợp, hỗ trợ các địa phương.
TP Đà Nẵng (dự án Hòa Liên - Túy Loan) và các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) đẩy nhanh thủ tục cấp phép, nâng công suất các mỏ đất đá, hoàn thành trong tháng 4.
Tỉnh Long An (dự án Vành đai 3 TP.HCM) đẩy nhanh tiến độ dự án nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành để bảo đảm khai thác đồng bộ 20 km dự án Bến Lức - Long Thành vào dịp 30/4 tới. VEC được giao rà soát tiến độ, đẩy nhanh hoàn thiện các gói thầu để sớm đưa vào khai thác 20 km này, đồng thời khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu các gói thầu khác chậm nhất trong tháng 4.
Tỉnh Lạng Sơn (các dự án Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng - Trà Lĩnh) chỉ đạo các nhà đầu tư quyết liệt triển khai để thông tuyến và hoàn thành trong năm nay.
Tỉnh An Giang sớm hoàn thành thủ tục tăng trữ lượng mỏ đá Antraco để ưu tiên cung cấp cho các dự án trọng điểm trong khu vực có kế hoạch hoàn thành trong năm.
Trong khi đó, TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương (dự án Vành đai 3 TP.HCM), Đồng Tháp (dự án An Hữu - Cao Lãnh) và các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang (dự án Tuyên Quang - Hà Giang) rà soát tiến độ, chủ động nguồn vật liệu, có các giải pháp kỹ thuật phù hợp, hiệu quả, không lùi tiến độ các dự án, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Thủ tướng về kết quả thực hiện.
Riêng với các nhà thầu, Thủ tướng nhấn mạnh các dự án hoàn thành vượt tiến độ và đúng tiến độ cần được khen thưởng theo quy định. Còn các cơ quan, đơn vị, nhà thầu không hoàn thành đúng tiến độ sẽ có chế tài xử lý.
Mặt khác, Thủ tướng khẳng định nguồn vốn cho các dự án được bảo đảm, Chính phủ sẽ cân đối vốn ưu tiên cho các dự án hoàn thành trong năm nay. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, bố trí đủ vốn cho các dự án xử lý theo thẩm quyền và báo cáo nếu vượt thẩm quyền, hoàn thành trong tháng 4.
Trong đó, Thủ tướng đồng ý chủ trương bố trí vốn cho dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (tỉnh Tuyên Quang đề nghị bổ sung 1.800 tỷ đồng, tỉnh Hà Giang đề nghị bổ sung 1.387 tỷ đồng), dự án Cao Lãnh - An Hữu (tỉnh Đồng Tháp đề nghị bổ sung 350 tỷ đồng)...
Các cơ quan khẩn trương hoàn thành thủ tục thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Đắk Nông - Bình Phước và hướng dẫn cách làm phù hợp.
Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ phối hợp, rà soát các dự án hoàn thành dịp 30/4, 2/9 (trong đó cầu Rạch Miễu 2 phải phấn đấu thông xe vào dịp này) và cuối năm tổ chức khánh thành cùng lúc nhiều dự án.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện có 28 dự án cao tốc với tổng chiều dài 1.188 km đang được triển khai để kịp hoàn thành trong năm nay.
Ngoài ra, 2 dự án quan trọng tại khu vực phía Bắc là tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh ở Cao Bằng dài 93 km và Hữu Nghị - Chi Lăng tại Lạng Sơn, dài 43 km, dù có kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 nhưng hai tỉnh đã cam kết thông tuyến trước ngày 31/12.
Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập 7 đoàn kiểm tra do các Phó thủ tướng dẫn đầu để rà soát tiến độ và tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp mỏ vật liệu và huy động nguồn vốn.
Sau khi có chỉ đạo từ các đoàn kiểm tra, nhiều dự án đã có chuyển biến tích cực, một số tuyến cao tốc trọng điểm như Bãi Vọt - Hàm Nghi, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột... đã đẩy nhanh tiến độ thi công.
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/thu-tuong-thong-tuyen-cao-toc-tu-cao-bang-den-ca-mau-trong-nam-nay-post1541963.html