Thủ tướng tiếp đoàn đại biểu 21 trường đại học hàng đầu Mỹ

Thủ tướng tiếp đoàn đại biểu 21 trường đại học hàng đầu Mỹ
2 ngày trướcBài gốc
Ngày 31.3, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc tiếp, làm việc với đoàn đại biểu 21 trường đại học danh tiếng hàng đầu của Mỹ đang tham dự chương trình trao đổi học thuật quốc tế (IAPP) 2025 tại Việt Nam.
Chương trình Đối tác học thuật quốc tế (IAPP) 2025 do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Viện Giáo dục quốc tế Mỹ phối hợp thực hiện.
Đây là hoạt động nhằm kết nối chiến lược các trường đại học Việt Nam với trường đại học Mỹ, hỗ trợ các trường đại học của hai bên xây dựng kế hoạch hợp tác thiết thực, hiệu quả và bền vững. Nội dung hợp tác tập trung vào lĩnh vực STEM, bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ICT, bán dẫn - vi mạch, AI, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến, năng lượng xanh, luật quốc tế, nông nghiệp và bền vững, sức khỏe, giáo dục, Đông Nam Á học và ngôn ngữ Việt Nam học.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ngay sau khi Việt Nam giành độc lập dân tộc, năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Harry Truman đề nghị thiết lập ngoại giao đầy đủ với Mỹ, thể hiện thiện chí của Việt Nam trong quan hệ với Mỹ.
Qua những thăng trầm và đột phá, đến năm 2023 Việt Nam và Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Quan hệ Việt Nam - Mỹ được cho là hình mẫu trong quan hệ quốc tế, từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện; Mỹ ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng; hai bên gác lại quá khứ, khai thác điểm đồng, hạn chế bất đồng, tôn trọng sự khác biệt, hướng đến tương lai.
Hiện nay có khoảng 30.000 sinh viên, học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ, đứng thứ 5 về số lượng sinh viên quốc tế tại Mỹ; có khoảng hơn 50 chương trình liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam và của Mỹ, chủ yếu là chương trình đào tạo trình độ đại học và trình độ thạc sĩ. Sau đào tạo, nhiều người làm việc rất thành công trong các cơ quan, doanh nghiệp của cả Việt Nam và Mỹ.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam xác định giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng", do đó mọi người đều được tiếp cận công bằng về giáo dục. Ngay sau khi giành độc lập dân tộc, Việt Nam tập trung "diệt giặc dốt".
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang xây dựng đất nước với 3 trụ cột chính là: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; phấn đấu tạo đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Việt Nam đã ban hành một số văn bản, chủ trương quan trọng về phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; tạo đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia…
Cho rằng hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam và Mỹ đã được triển khai trong nhiều năm qua, đạt nhiều kết quả, song chưa thực sự sâu rộng và hiệu quả như mong đợi, Thủ tướng đề nghị các trường đại học của hai nước phối hợp chặt chẽ xây dựng những kế hoạch hợp tác mang tính dài hạn, bền vững, với các hình thức đa dạng, sáng tạo, linh hoạt như trao đổi sinh viên, giảng viên, liên kết đào tạo, các chương trình nghiên cứu chung, đi vào các lĩnh vực mới để giúp Việt Nam khai thác không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm; xem xét mở rộng chương trình học bổng, ưu đãi học phí dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper và đại diện các trường đại học Mỹ đánh giá cao chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo - Ảnh: VGP
Thủ tướng đề nghị các trường đại học của hai bên chủ động trao đổi để có các chương trình hợp tác cụ thể, đặc biệt là trong các ngành kỹ thuật cao, AI, bán dẫn, công nghệ sinh học, sức khỏe, nông nghiệp, ngoại ngữ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp của hai nước và hợp tác nghiên cứu phát triển.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực giải quyết cân bằng thương mại giữa hai nước, duy trì đà hợp tác kinh tế bền vững thông qua nhiều giải pháp như giảm thuế cho các sản phẩm thế mạnh của Mỹ như gỗ, nông sản; tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ như máy bay, khí hóa lỏng (LNG), các mặt hàng công nghệ cao; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Mỹ đầu tư, mở rộng tại Việt Nam và giải quyết các quan tâm của phía Mỹ…
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các trường có tiếng nói với chính quyền Tổng thống Trump sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường; bỏ hạn chế xuất khẩu công nghệ cao với Việt Nam; hạn chế các chính sách ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam, tạo điều kiện để Việt Nam tiếp tục phát triển.
Trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper và đại diện các trường đại học Mỹ đánh giá cao chiến lược phát triển của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; cho biết sẵn sàng hợp tác, sát cánh cùng Việt Nam thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Lam Thanh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/thu-tuong-tiep-doan-dai-bieu-21-truong-dai-hoc-hang-dau-my-231007.html