Thủ tướng tiếp nguyên thủ một số nước và tổ chức quốc tế tham dự WEF

Thủ tướng tiếp nguyên thủ một số nước và tổ chức quốc tế tham dự WEF
8 giờ trướcBài gốc
Hà Lan xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof. Ảnh: TTXVN.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan thời gian qua, nhất là hợp tác về ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững.
Trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, Hà Lan hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu và là nhà đầu tư lớn nhất của Cộng đồng châu Âu (EU) tại Việt Nam. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp nhiều thách thức, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 đạt 13,77 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm kích về tình cảm đặc biệt mà lãnh đạo và nhân dân Hà Lan dành cho Việt Nam, nhất là tình cảm của Nhà Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Máxima; bày tỏ mong muốn sớm được đón Nhà Vua và Hoàng hậu Hà Lan sang thăm Việt Nam trong thời gian tới.
Trên cơ sở tin cậy chính trị ngày càng được củng cố và quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt được vun đắp trong hơn 50 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị thúc đẩy quan hệ chính trị - ngoại giao lên tầm cao mới, sâu sắc, thiết thực hơn, hai nước tăng cường trao đổi đoàn cấp cao.
Hai bên tích cực cụ thể hóa hai khuôn khổ Đối tác chiến lược ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp bền vững thông qua việc triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng ven biển; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đồng thời xem xét mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, trong đó có công nghệ cao, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn và các lĩnh vực khoa học công nghệ khác.
Thủ tướng cũng đề nghị Hà Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác kinh tế - thương mại song phương.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof bày tỏ vui mừng gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và cho rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và hai nước cần nỗ lực để thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa vì còn rất nhiều tiềm năng, dư địa.
Thủ tướng Dick Schoof cho biết Vua và Hoàng hậu Hà Lan mong sớm thăm lại Việt Nam và khẳng định Hà Lan quan tâm và sẽ xem xét đầu tư vào lĩnh vực chip bán dẫn tại Việt Nam. Thủ tướng Hà Lan chúc mừng Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD vào cuối năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và bày tỏ mong muốn Chính phủ Hà Lan và cá nhân Ngài Thủ tướng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội ở sở tại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và khu vực.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trân trọng mời Thủ tướng Dick Schoof sớm thăm Việt Nam, tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng Tư tới và rà soát các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên.
Sớm kết thúc đàm phán FTA với Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Liechtenstein Daniel Risch. Ảnh: VGP.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp Thủ tướng Liechtenstein Daniel Risch. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Daniel Risch cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian trao đổi về quan hệ hai nước; khẳng định coi trọng và quan tâm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Việt Nam coi trọng việc phát triển quan hệ với Liechtenstein, mong muốn thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Hợp tác kinh tế giữa hai nước còn khiêm tốn nhưng có nhiều dư địa phát triển, hai nền kinh tế có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Để tạo bước chuyển thực chất trong hợp tác kinh tế - thương mại, Thủ tướng đề nghị hai bên cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hợp tác song phương, tìm các hướng hợp tác mới có tiềm năng.
Thủ tướng cho biết Việt Nam mong muốn sớm kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với khối EFTA (gồm các nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và hai bên tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư.
Nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Liechtenstein Daniel Risch hy vọng có thể hoàn thành đàm phán FTA Việt Nam – EFTA trong năm nay, cũng như tiến tới đàm phán Hiệp định tránh đánh thuế hai lần.
Thủ tướng Daniel Risch cũng cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng để tăng cường hợp tác, như quá trình công nghiệp hóa đã thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng GDP, sản xuất công nghiệp đều chiếm khoảng 40% GDP của mỗi nước. Nhiều doanh nghiệp Liechtenstein rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.
Nhất trí cho rằng với quyết tâm của cả hai bên, các vấn đề khác biệt trong đàm phán sẽ được giải quyết, hai Thủ tướng chuyển lời mời thăm lẫn nhau để trao đổi cụ thể hơn về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương.
Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc để mang lại hòa bình, ổn định cho Đông Nam Á và Myanmar
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar. Ảnh: VGP.
Tại buổi tiếp bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar nhân dịp dự Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 55, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh Việt Nam luôn quan tâm theo dõi tình hình và mong muốn Myanmar sớm ổn định trở lại, vì lợi ích của nhân dân Myanmar cũng như vì hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.
Đồng thời khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Myanmar, không ủng hộ các biện pháp bao vây cấm vận làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Myanmar, vấn đề Myanmar cần do người Myanmar giải quyết, phải có sự thỏa thuận, nhân nhượng và tham gia của tất cả các bên liên quan.
Cách tiếp cận nên là "cái dễ làm trước, cái khó làm sau, phải kiên trì". Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Liên Hợp Quốc và cá nhân bà Bishop đã nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar; mong bà chia sẻ, chung tay giải quyết vấn đề Myanmar để mang lại cuộc sống hòa bình, ổn định cho người dân Myanmar.
Thủ tướng khẳng định với vai trò, uy tín và quan hệ của mình, Việt Nam sẵn sàng làm mọi việc để mang lại hòa bình, ổn định cho Đông Nam Á và Myanmar và sẵn sàng hợp tác với Liên Hợp Quốc vì mục tiêu này, bao gồm việc cung cấp địa điểm để tất cả để các bên liên quan gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
Thủ tướng Chính phủ chia sẻ các nỗ lực của ASEAN và của Việt Nam, với tư cách là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của gia đình ASEAN, để phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc thúc đẩy và phối hợp với tất cả các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình, hòa giải tại Myanmar.
Bà Julie Bishop, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực, chia sẻ đánh giá về tình hình hiện nay tại Myanmar và những nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm thúc đẩy tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar, trong đó có việc thông qua các Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Sáng kiến về tổ chức một Hội nghị về vấn đề người Rohingya và bang Rakhine.
Bà Bishop đánh giá cao và nhất trí với các đề xuất của Thủ tướng Chính phủ là cần ưu tiên thúc đẩy các bên tại Myanmar kiềm chế, chấm dứt vũ lực, bảo đảm an ninh an toàn cho người dân, sớm nối lại đối thoại với sự tham gia của các bên liên quan để tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Myanmar; khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN để thúc đẩy các bên liên quan đối thoại để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ và tích cực hỗ trợ bà Bishop trên cương vị Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar; đề nghị bà Đặc phái viên tiếp tục quan tâm, ủng hộ vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy tìm giải pháp cho vấn đề Myanmar.
Việt Nam hướng tới gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann. Ảnh: TTXVN.
Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) Mathias Cormann, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đồng hành và hỗ trợ mà OECD và các thành viên dành cho Việt Nam trong quá trình đảm nhiệm vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á và trong tham vấn chính sách thời gian qua.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và OECD và khẳng định hai Hội nghị Bộ trưởng Chương trình Đông Nam Á được tổ chức tại Hà Nội trong thời gian qua góp phần đưa OECD và Đông Nam Á xích lại gần nhau hơn.
Nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và OECD ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, Thủ tướng chia sẻ Việt Nam muốn nghiên cứu tham gia OECD và đề nghị Ngài Tổng Thư ký chỉ đạo các Ban chuyên môn của OECD chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách và hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới việc đáp ứng các chuẩn mực quản trị toàn cầu của OECD; hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện và công bố các báo cáo kinh tế quan trọng để làm cơ sở tham khảo hữu ích cho việc hoạch định các chính sách phát triển dài hạn của Việt Nam.
Thủ tướng cũng đề nghị OECD ủng hộ, hỗ trợ để Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình, hướng tới việc gia nhập OECD, qua đó tiếp tục hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới. Thủ tướng cũng đề nghị OECD tạo điều kiện để Việt Nam cử các chuyên gia, cán bộ làm việc tại Ban Thư ký OECD.
Vui mừng gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Davos, cảm ơn tình cảm tốt đẹp của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann đánh giá cao Việt Nam đảm nhiệm xuất sắc vai trò đồng Chủ tịch Chương trình Đông Nam Á của OECD và cho rằng Việt Nam là nền kinh tế phát triển năng động, ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực Đông Nam Á - cực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
OECD mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tư vấn chính sách và những vấn đề Việt Nam cần, đồng thời nhất trí sẽ hỗ trợ Việt Nam tham gia Tuyên bố của OECD về Đầu tư Quốc tế và Doanh nghiệp Đa quốc gia, tăng cường kết nối giữa các Ban chuyên môn của OECD và các bộ, ngành của Việt Nam, góp phần thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và OECD trong thời gian tới.
Trân trọng mời ông Mathias Cormann tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ 4 dự kiến diễn ra vào tháng 4/2025 và Hội nghị Bộ trưởng UNCTAD 16 diễn ra vào tháng 10/2025 tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam sẽ cử đại diện dự Hội nghị Bộ trưởng OECD vào tháng 6/2025 theo lời mời của OECD, thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với OECD.
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development - OECD) là một diễn đàn dành cho chính phủ của các nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới cùng nhau bàn bạc giải quyết các vấn đề kinh tế của bản thân họ và của thế giới. OECD đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao về kinh tế có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Hiện OECD có 38 thành viên, hầu hết trong số đó là các quốc gia có thu nhập cao.
Thảo Ngân
Theo Cổng TTĐT Chính phủ
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/thu-tuong-tiep-nguyen-thu-mot-so-nuoc-va-to-chuc-quoc-te-tham-du-wef-37771.html