Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh vai trò quan trọng của ASEAN trong giải quyết vấn đề Myanmar. ASEAN đã kiên trì nỗ lực thúc đẩy các bên liên quan thực hiện Đồng thuận 5 điểm, mặc dù kết quả còn chưa được như mong muốn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Malaysia (thứ 3 từ trái qua), Đặc phái viên Julie Bishop (thứ 4 từ trái qua) tham dự phiên thảo luận “ASEAN: Gắn kết để vươn xa”. Ảnh: Facebook Thủ tướng Malaysia.
Bà Julie Bishop tin rằng sẽ có “ánh sáng ở cuối đường hầm” trong tiến trình giải quyết vấn đề này. Cả ASEAN và Liên hợp quốc đều có thể đóng vai trò then chốt, cùng nhau là những bên xây dựng cầu nối, là sứ giả của hòa bình mà Myanmar rất cần, qua đó đưa Myanmar sớm trở lại với tư cách là một thành viên đầy đủ chức năng của ASEAN, khu vực và cộng đồng toàn cầu.
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với ASEAN nói chung, nước Chủ tịch ASEAN 2025 và Đặc phái viên mới về vấn đề Myanmar nói riêng để tiến tới chấm dứt xung đột, bạo lực, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Myanmar, đồng thời tăng cường kiểm soát các loại tội phạm xuyên quốc gia ở Myanmar.
Cũng đồng quan điểm này, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim kêu gọi tiến hành các hoạt động ngoại giao mạnh mẽ hơn để khôi phục hòa bình và ổn định ở Myanmar.
Thủ tướng Malaysia cho biết cách tiếp cận của ASEAN không phải là áp đặt một hệ thống quản lý vào Myanmar mà là đảm bảo hòa bình và ngăn chặn các hành vi phân biệt đối xử hoặc bạo lực đối với các nhóm thiểu số ở quốc gia này.
PV/VOV-Bangkok