Chính phủ mới của Đức dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ đầu tháng 5 sau khi một thỏa thuận liên minh mới đạt được giữa 2 chính đảng lớn của đất nước, liên minh CDU/CSU bảo thủ trung hữu và Đảng SPD trung tả.
Lễ nhậm chức của tân Thủ tướng Đức và Nội các mới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8/5, trong bối cảnh áp lực đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn đang bên bờ vực suy thoái còn phải chịu đòn giáng từ mức thuế quan nặng nề do chính quyền Mỹ áp đặt.
Cho dù áp lực đã dịu đi phần nào sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hoãn thực thi thuế quan "có qua có lại" trong 90 ngày, nhưng mối đe dọa vẫn treo lơ lửng.
Trong cuộc phỏng vấn với các tờ báo hàng đầu đất nước, được công bố hôm 13/4, Thủ tướng tiếp theo của Đức, Friedrich Merz, đã đưa ra cái nhìn sâu hơn về ưu tiên đối ngoại sau khi nhậm chức, và nhắc lại một lập trường của mình liên quan đến Ukraine.
Ông Friedrich Merz, Thủ tướng tiếp theo của Đức. Ảnh: Variety
"Tôi sẽ… ngay lập tức đến Paris và rất nhanh chóng đến Warsaw", ông Merz nói với nhật báo Bild – tờ báo bán chạy nhất châu Âu. Nhà lãnh đạo mới của Đức cho biết điều quan trọng là Berlin phải nhanh chóng bắt tay với 2 quốc gia láng giềng hàng đầu là Pháp và Ba Lan.
Theo truyền thống, sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Đức thường dành những chuyến thăm đầu tiên của mình tới các nước láng giềng lớn nhất ở cả phía Đông và phía Tây, và coi đây là ưu tiên trong chương trình nghị sự.
Ông Merz đã liệt kê Pháp, Ba Lan,... là những bên đối thoại chính của mình trước khi bất kỳ cuộc gặp nào với ông Trump có thể diễn ra.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo kinh doanh Handelsblatt, công bố ngày 13/4, Thủ tướng Đức sắp nhậm chức cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo chắc chắn sẽ xảy ra, chỉ là không biết khi nào và tại sao.
Nhưng ông cảnh báo các chính sách trong bối cảnh hiện tại đang làm tăng nguy cơ cuộc khủng hoảng này sẽ xảy ra "sớm hơn dự kiến".
Mục tiêu của ông Merz là một hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương mới với mức thuế quan bằng không; nhưng ông cũng muốn đàm phán các thỏa thuận thương mại với các quốc gia như Canada, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Ông nhắc lại thực tế rằng Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ (T-TIP) được đàm phán vào những năm 2010 nhưng chưa bao giờ đi đến đích. Ông cũng cho biết Đức sẵn sàng nhập khẩu khí đốt của Mỹ.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo tiếp theo của cường quốc Tây Âu cho biết "cựu lục địa" phải thể hiện một mặt trận thống nhất trước Mỹ và nắm bắt cơ hội để tiến lên với các cải cách quan trọng.
Một ưu tiên hàng đầu là thống nhất các thị trường vốn, nơi sẽ có một "động lực mới" trong những tháng tới, sau các cuộc thảo luận mà ông Merz đã có với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Anh Keir Starmer.
Ông Merz cũng nhắc lại điều ông Trump vẫn thường phàn nàn, rằng các đồng minh NATO ở châu Âu thực sự chưa chi đủ cho quốc phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với Handelsblatt, Thủ tướng Đức tương lai đã "dội gáo nước lạnh" vào hy vọng của Ukraine về việc nhanh chóng gia nhập EU và NATO.
Theo ông, vì Ukraine đang có xung đột quân sự nên "không thể trở thành thành viên của NATO hoặc thành viên của EU", đồng thời nhấn mạnh thêm về lập trường thận trọng mà ông đã thực hiện trong chiến dịch tranh cử đầu năm nay.
Khi đó, lập trường của Đảng CDU vẫn còn mơ hồ đáng kể về tương lai của Ukraine trong NATO, trong khi ủng hộ rõ ràng việc Kiev gia nhập EU.
"Ukraine có tư cách ứng cử viên trong Liên minh châu Âu và điều đó mở ra con đường trở thành thành viên EU… nhưng một quốc gia đang có chiến tranh không thể trở thành thành viên của NATO", ông Merz nói với báo Đức.
Minh Đức (Theo Euractiv, Politico EU)