Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra từ 4-8/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.
Đoàn đại biểu tháp tùng Thủ tướng và Phu nhân có: Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh; Phó Tổng Thanh tra Thường trực Thanh tra Chính phủ Trần Đức Thắng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Hồng Thái; Thứ trưởng Bộ Công an Đặng Hồng Đức; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Mạnh Cường; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long; Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự với tư cách nước đối tác tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS - cơ chế hợp tác đa phương giữa các nền kinh tế mới nổi và ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị.
Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân tại sân bay. Ảnh: Minh Nhật
Việc Việt Nam trở thành nước đối tác của BRICS, cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm tại các cơ chế đa phương với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS.
Với chủ đề "Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn", Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2025 là một trong những sự kiện đa phương quan trọng, có sự tham dự của khoảng 20 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế.
Chương trình nghị sự sẽ thảo luận về 6 vấn đề chính: Cải cách cấu trúc gìn giữ hòa bình và an ninh đa phương; hợp tác trong lĩnh vực y tế; cải thiện hệ thống tài chính quốc tế; khủng hoảng khí hậu; trí tuệ nhân tạo; tăng cường thể chế hóa BRICS, bao gồm việc mở rộng sự tham gia và đối thoại với các nhóm xã hội khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định chuyến công tác của Thủ tướng sẽ là một "cầu nối" đối ngoại quan trọng nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với Brazil cũng như nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam ở khu vực Trung và Nam Mỹ.
Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thúc đẩy đa dạng hóa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các khu vực có nhiều tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực quốc tế phục vụ các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thủ tướng và Phu nhân lên đường dự hội nghị BRICS mở rộng tại Brazil. Ảnh: Minh Nhật
Các quốc gia thành viên BRICS, các quốc gia khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS là những quốc gia có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống của Việt Nam; Brazil là nước có quan hệ Đối tác Chiến lược, có những thế mạnh mà Việt Nam có nhu cầu bổ trợ, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam.
Trong khi đó Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani tin tưởng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ 3 đến Brazil, sẽ có những đóng góp quan trọng trong các cuộc thảo luận của chương trình nghị sự tại hội nghị. Với tầm nhìn hiện đại và kinh nghiệm quốc tế, Thủ tướng sẽ mang đến những quan điểm mang tính xây dựng về các vấn đề then chốt đang ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, như chuyển đổi năng lượng, hợp tác kinh tế và tài chính, cũng như tiếp cận bình đẳng với đổi mới sáng tạo.
Brazil và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng cũng như tính bổ trợ lẫn nhau, những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng quan hệ đối tác ngày càng bền chặt và thúc đẩy thương mại song phương.
Trong bối cảnh các quy trình trí tuệ nhân tạo, kinh tế xanh và việc ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển nhanh chóng, việc đưa đổi mới sáng tạo vào chương trình hợp tác kinh tế và thương mại đang trở nên ngày càng cấp thiết.
Trần Thường