Điểm sáng trong hợp tác giữa các địa phương
Hai nước Việt Nam - Brazil thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/5/1989. Và thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 5/2007, nâng cấp lên Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2024.
Từ năm 2020, quan hệ song phương Việt Nam - Brazil được đẩy mạnh với nhiều chuyến thăm cấp cao, trong đó Thủ tướng Chính phủ thăm chính thức Brazil các năm 2023, 2024 và Tổng thống Lula da Silva thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào 3/2025 và các cấp. Không chỉ ở cấp cao, thời gian qua, các Bộ, ngành hai bên tích cực cụ thể hóa hợp tác trên nhiều lĩnh vực thông qua các hiệp định/thỏa thuận/bản ghi nhớ, đặc biệt về kinh tế thương mại.
Có thể nói, những trao đổi các chuyến thăm cấp cao liên tiếp cũng cho thấy Việt Nam và Brazil đang tận dụng tiềm năng của nhau để đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, thúc đẩy hợp tác cùng thắng trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
5 tháng đầu năm 2025, trao đổi kim ngạch hai chiều Việt Nam - Brazil đạt 3,33 tỷ USD
Theo số liệu từ Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Bộ Công Thương, từ nhiều năm qua, Brazil luôn là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Brazil đã đạt mức kỷ lục 7,97 tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2023. Trong số đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil 2,6 tỷ USD, tăng 6,7%, nhập khẩu từ Brazil đạt 5,37 tỷ USD, tăng 15%. Như vậy, Việt Nam nhập siêu hơn 2,77 tỷ USD từ Brazil.
5 tháng đầu năm 2025, trao đổi kim ngạch hai chiều đạt 3,33 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2024; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Brazil 1,11 tỷ USD, giảm 2,2%, Việt Nam nhập khẩu từ Brazil 2,2 tỷ USD, giảm 6,3%.
Việt Nam xuất khẩu sang Brazil hàng điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, phương tiện vận tải và phụ tùng, sắt thép các loại...; nhập khẩu quặng và khoáng sản khác, bông các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu, đậu tương, ngô, gỗ và sản phẩm gỗ, nguyên phụ liệu dệt may và da giầy...
Đáng chú ý, điểm sáng trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước Việt Nam - Brazil trong những năm qua đó chính là hợp tác giữa các địa phương luôn phát triển mạnh và trở thành một trụ cột quan trọng; trong đó các thành phố như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế đã triển khai nhiều hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục, du lịch, nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... với nước bạn.
Ông Samo Tosatti, Giám đốc Quan hệ Quốc tế bang Sao Paulo, Brazil cho biết, bang Sao Paulo - nơi có GDP lớn hơn của Argentina, Uruguay và Paraguay cộng lại là thị trường còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác với Việt Nam. Ông nhấn mạnh ngành công nghiệp tư nhân mạnh của Sao Paulo có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác đôi bên.
Nhận định từ Thương vụ Việt Nam tại Brazil cũng cho biết, Brazil là thị trường rất tiềm năng cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như may mặc, da giày, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến, bởi Brazil hiện là thành viên của Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay.
Cùng đó, thông qua thị trường Brazil, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường các nước Mỹ Latinh cũng như Mercosur. Ngược lại, Việt Nam sẽ giúp Brazil tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
"Bến đỗ" mới của hàng Việt
Mặc dù vậy, quan hệ hợp tác hai nước vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm khoảng cách địa lý, khác biệt về ngôn ngữ và một số rào cản trong thương mại.
Trong buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Brazil tại Việt Nam Marco Farani diễn ra vào tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị hai bên cần tăng cường nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại song phương, trên cơ sở tiềm năng và nhu cầu của hai nước.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - MERCOSUR, với kỳ vọng Hiệp định sẽ tạo ra bước đột phá trong quan hệ thương mại, giúp thúc đẩy trao đổi hàng hóa và đầu tư giữa Việt Nam với Brazil nói riêng và với các nước trong Khối nói chung.
Thủy sản - mặt hàng tiềm năng để xuất khẩu sang Brazil
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính năm 2023, lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030. Chính vì vậy, hiện thực hóa mục tiêu đã đặt ra, chia sẻ thông tin với báo chí, Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị cho rằng, hai nước Việt Nam - Brazil cần đẩy mạnh trao đổi thương mại các sản phẩm thế mạnh và bổ sung cho nhau trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, nông sản, thực phẩm, năng lượng, khoáng sản và hàng tiêu dùng.
“Việt Nam có thể nhập khẩu từ đậu tương, ngô, đường, bông, thịt bò tới nhiều loại khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đá quý, đá granit, vật liệu xây dựng, gỗ, sản phẩm gỗ, bột giấy... là nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, chế biến trong nước và xuất khẩu sang nước thứ ba.
Ngược lại, Việt Nam có thể xuất sang Brazil từ thủy sản như cá tra, basa, rô-phi, tôm; nông sản chế biến như hạt điều, cà phê; tới hàng tiêu dùng, quần áo, dày dép các loại; sản phẩm săm, lốp ô-tô, các loại xe máy, xe đạp điện; tới điện thoại thông minh, hàng điện tử, máy tính, linh kiện...” - Đại sứ Bùi Văn Nghị nêu ví dụ và cho biết, Việt Nam và Brazil ở hai bán cầu đối nhau nên các sản phẩm trái cây, nông sản nhiệt đới cũng có thể bổ sung cho nhau và có thể trao đổi, xuất nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng hai nước vì mùa vụ khác nhau.
Cũng theo Đại sứ, hiện nay Việt Nam đã trở thành nước đối tác của BRICS, chính vì vậy, cần tận dụng thế mạnh của BRICS để thúc đẩy hợp tác trong công nghệ, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo... những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Ngoài ra, cần thúc đẩy hợp tác, kết nối đầu tư giữa các địa phương hai nước để tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế, văn hóa ở cấp địa phương phát triển.
Bà Phạm Hồng Trang, Bí thư thứ nhất, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, Việt Nam và Brazil có nhiều điểm tương đồng và có thể bổ trợ cho nhau trong hợp tác kinh tế. Brazil là nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh, có thế mạnh trong các ngành nông nghiệp, năng lượng và công nghiệp chế tạo. Trong khi đó, Việt Nam có nền kinh tế năng động, là một trong những trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng của châu Á, đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm và logistics.
"Trong bối cảnh hiện nay, trước những diễn biến khó lường của thương mại quốc tế, việc tìm kiếm các thị trường thay thế cho sản phẩm xuất khẩu Việt Nam trở thành mục tiêu quan trọng và Brazil chính là một trong những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam có thể lưu ý trong thời gian tới" - bà Phạm Hồng Trang lưu ý và cho biết, một số sản phẩm như thủy sản, dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, hàng cơ khí, tiêu dùng, máy móc và phụ tùng, phương tiện vận tải... có nhiều tiềm năng để thúc đẩy xuất khẩu sang Brazil.
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Brazil Lula da Silva, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS mở rộng năm 2025 và tiến hành các hoạt động song phương tại Brasil từ ngày 4 - 8/7/2025.Việc Việt Nam trở thành nước đối tác của BRICS, cũng như tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm tại các cơ chế đa phương với mong muốn nỗ lực đóng góp, nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, thúc đẩy đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa đa phương bao trùm, toàn diện trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế cũng như làm csâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên BRICS. Chuyến thăm sẽ là cơ hội để lãnh đạo hai nước Việt Nam - Brazil trao đổi các định hướng lớn nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thực hiện hiệu quả chủ trương đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biến phức tạp hiện nay.
Hoàng Hòa