Thủ tướng tin tưởng các doanh nghiệp Nhà nước sẽ làm tốt việc chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.
Phát biểu kết luận phiên họp với doanh nghiệp Nhà nước sáng 15/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng số lượng tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động của Việt Nam, nhưng nhóm doanh nghiệp này luôn có vai trò, vị trí quan trọng, nắm giữ một lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế.
Theo Thủ tướng, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong phát triển đất nước và với từng doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tiên phong trong chuyển đổi số vì có nguồn lực, điều kiện, con người, tham gia dẫn dắt trong chuyển đổi số của đất nước, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Đồng thời, doanh nghiệp phải tăng trưởng cao ở mức 2 con số, tăng trưởng nhanh, bền vững để góp phần tăng trưởng GDP cả nước từ 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng 2 con số những năm tới.
Về giải pháp chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện quy trình, quy định; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa tài liệu, hồ sơ để thúc đẩy, phát triển, sử dụng trí tuệ nhân tạo; phát triển hạ tầng số và góp phần phát triển hạ tầng số của cả nước.
Song song đó cần phát triển các sản phẩm số của doanh nghiệp trong các lĩnh vực hoạt động, phù hợp với sự phát triển của doanh nghiệp; phát triển số nhanh, mạnh, hiệu quả nhưng phải quản lý được, bảo đảm an ninh, an toàn số, góp phần vào an ninh, an toàn số quốc gia.
“Chú tâm vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, góp phần phát triển công dân số vì con người là vốn quý nhất để sử dụng trí tuệ nhân tạo và phải thắng trí tuệ nhân tạo”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý tất cả nhiệm vụ này phải hòa chung vào quá trình chuyển đổi số của cả nước, trong đó có phong trào "Bình dân học vụ số".
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng nêu rõ các doanh nghiệp phải chú ý làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Về xuất khẩu, bối cảnh đang khó khăn, nhưng không đến mức khó khăn như những khó khăn đã vượt qua trước đó.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, tập trung khai thác thị trường nội địa và năng động, sáng tạo tìm kiếm các thị trường mới trên thế giới như Trung Đông, Trung Á, Halal, Mỹ Latinh, châu Phi… và củng cố các thị trường truyền thống, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Về tiêu dùng, cần chú trọng mở rộng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, tận dụng cơ hội thị trường 100 triệu dân.
Thủ tướng lưu ý các doanh nghiệp Nhà nước phải phối hợp với nhau, học tập, hỗ trợ lẫn nhau và với các doanh nghiệp tư nhân tốt hơn nữa.
Với các bộ ngành, Thủ tướng yêu cầu rà soát, đề xuất, tháo gỡ ngay các vướng mắc thể chế, đặc biệt là liên quan luật quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Cùng với đó, phát triển hạ tầng chiến lược để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; mạnh dạn giao việc cho doanh nghiệp.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng lưu ý phải ổn định tỷ giá, nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất, có các gói tín dụng ưu đãi cho các lĩnh vực và khoanh nợ, giãn hoãn nợ khi doanh nghiệp khó khăn. Chính sách tài khóa cần tập trung giải ngân đầu tư công; miễn giảm, giãn hoãn thuế, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thuế VAT nhanh chóng, thuận tiện.
Thủ tướng cũng chỉ đạo một số nhiệm vụ cụ thể với các bộ ngành để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể cho các doanh nghiệp như giảm thuế xuất khẩu với mặt hàng clinker xi măng, tái sử dụng chất thải trong khai thác than…
Hồng Nhung