Thú vị chuyện của 1.307 vị tiến sĩ được 'kể' qua bia đá

Thú vị chuyện của 1.307 vị tiến sĩ được 'kể' qua bia đá
6 giờ trướcBài gốc
Việc tiếp cận gần gũi các tấm bia tiến sĩ sẽ giúp du khách cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá. (Ảnh: Phạm Linh)
Hiền tài được lưu danh muôn đời
Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền quân chủ độc lập, các triều đại phong kiến Việt Nam đã chú trọng tới việc tuyển chọn và trọng dụng nhân tài. Kể từ khoa thi năm 1442, các nhà khoa bảng đỗ đại khoa được khắc ghi trên bia đề danh tiến sĩ đặt tại Văn Miếu ở kinh đô để lưu truyền danh thơm đến muôn đời sau.
Tại đây, ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn Miếu còn là nơi đề danh những vị đại khoa trên các tấm bia, gọi là bia tiến sĩ. Những tấm bia đá lưu danh những người đỗ đạt trong các khoa thi tuyển chọn tiến sĩ kéo dài hơn 300 năm dưới thời Lê - Mạc (từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17). 82 bia đá khắc tên 1.307 lượt tiến sĩ thi đỗ qua 82 khoa thi dưới triều Lê và Mạc là những di vật giá trị bậc nhất của khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những pho sử đá khẳng định niềm tự hào của truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Giá trị đặc biệt của bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chính là bài văn bia (bài ký) bằng chữ Hán. Mỗi bài ký trên bia là một áng văn chương mẫu mực, thể hiện tư tưởng triết học, sử học và những quan điểm về giáo dục, đào tạo và trọng dụng nhân tài của dân tộc. Một bài văn bia thường gồm: dòng tiêu đề của khoa thi (phần nối giữa trán bia và bài ký) năm tổ chức khoa thi, ca ngợi triều vua đang trị vì, tên các vị quan tham gia tổ chức khoa thi như Đề điệu, Giám thí, Độc quyển, Đằng lục...; cách thức tổ chức thi; họ tên và quê quán của những người thi đỗ… Phần ký của văn bia cung cấp nhiều thông tin quan trọng về lịch sử của nền giáo dục, thi cử nước nhà và quan điểm của nhà nước về đào tạo và sử dụng nhân tài.
Tháng 3/2010, Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã công nhận bia tiến sĩ là Di sản tư liệu - Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tháng 5/2011, Tổng Giám đốc UNESCO đã công nhận 82 bia tiến sĩ là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Ngày 14/1/ 2015, Thủ tướng Chính phủ công nhận 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Bảo vật quốc gia. Đây chính là sự đánh giá, công nhận giá trị đặc biệt của bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với nền văn hóa, giáo dục của dân tộc Việt Nam nói riêng, của toàn nhân loại nói chung.
“Giải mã” các khoa thi xưa
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là điểm tham quan hấp dẫn của các học sinh, sinh viên, người dân, du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các sỹ tử trước kỳ thi thường đến đây dâng hương, song không nhiều người hiểu tường tận về những nội dung khắc trên bia đá.
Vì vậy, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám thực hiện trưng bày chuyên đề “Bia đá kể chuyện” tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội từ ngày 16/1/2025, tại khu vườn bia tiến sĩ, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là lần đầu tiên những hoa văn, họa tiết, những hàng chữ Nho trên 82 tấm bia tiến sĩ được “giải mã” cung cấp thông tin cho công chúng về các khoa thi thời xưa cùng tên tuổi những người đỗ đạt.
Trưng bày theo 4 chủ đề: Chiêu mộ hiền tài: giới thiệu một số nét chính về giáo dục khoa cử Nho học của nước ta; Con đường khoa cử: giới thiệu thông tin về thi cử và chế độ đãi ngộ dành cho những người đỗ đạt; Gương sáng tiền nhân: giới thiệu một số danh nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà cùng một số lĩnh vực khác và Tài hoa nghệ thuật: Cảm nhận bàn tay tài hoa và thế giới quan phong phú của những nghệ nhân tạo tác bia Tiến sĩ.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Trưng bày lần này được đặt gần những tấm bia sẽ tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, làm cho công chúng được tiếp cận gần hơn với bia tiến sĩ, từ đó cảm nhận sâu hơn về những nội dung tư liệu hiện hữu cũng như khám phá điều ẩn chứa trong những tấm bia đá”.
Đó sẽ là câu chuyện thú vị về 82 bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám; là thông tin về những địa phương có người đỗ tiến sĩ và số lượng tiến sĩ của địa phương đó, như Hà Nội có nhiều tiến sĩ nhất với 145 tiến sĩ, thứ hai là Hải Dương với 106 tiến sĩ, Bắc Ninh với 87 tiến sĩ, Hưng Yên với 43 tiến sĩ…
Thùy Dương
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/thu-vi-chuyen-cua-1307-vi-tien-si-duoc-ke-qua-bia-da-post538028.html