Thừa Thiên Huế quyết xử lý dứt điểm tàu cá '3 không', '2 không'

Thừa Thiên Huế quyết xử lý dứt điểm tàu cá '3 không', '2 không'
4 giờ trướcBài gốc
Thừa Thiên Huế vẫn còn hàng trăm tàu cá chưa đăng ký các thủ tục. (Ảnh: Thùy Nhung)
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác chống các hoạt động IUU trên địa bàn Thừa Thiên Huế có những chuyển biến tích cực, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ ngư trường Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những tàu cá xa bờ công suất lớn, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động dài ngày trên biển được cấp đầy đủ giấy phép và thủ tục; hiện vẫn còn hàng trăm tàu công suất nhỏ chuyên hoạt động vùng biển gần bờ thuộc diện "2 không" (không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản), “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản).
Theo Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có 385 tàu cá chưa đăng ký, trong đó tàu cá “3 không” (chiều dài lớn nhất từ 12 đến 15m) có 36 chiếc và tàu cá “2 không” (chiều dài lớn nhất dưới 12m) có 349 chiếc thuộc diện thiếu hồ sơ theo quy định. Tập trung chủ yếu ở xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) với 31 tàu cá “3 không”, 139 tàu cá “2 không”. Hầu hết các tàu này đều thuộc nhóm tàu cá cỡ nhỏ, hoạt động ở bãi ngang ven bờ, sáng đi tối về (câu mực, vây cá nổi).
Đơn cử như ngư dân Trần Minh Đức (ngụ thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh) hiện có tàu vỏ gỗ thuộc danh sách “2 không”. Ông Đức cho biết, gia đình có truyền thống đi biển nên từ nhiều năm trước vay vốn đóng mới tàu cỡ nhỏ để hành nghề lưới rê và câu mực. Dù được cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá nhưng vì chủ quan là tàu đánh bắt vùng gần bờ nên ông chưa làm thủ tục đăng kiểm, nên chưa được cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác thủy sản.
Theo ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh có 437/437 tàu cá có chiều dài lớn nhất trên 15m lắp thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Tuy nhiên, trên hệ thống chỉ hiển thị VMS 434/437 chiếc do có 3 tàu đã lắp nhưng nằm bờ, hư hỏng chờ bán. Thông qua hệ thống VMS, cơ quan quản lý thường xuyên theo dõi, kêu gọi, cảnh báo nguy cơ các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Giải pháp của tỉnh với tàu cá “3 không”, “2 không” là sẽ chỉ đạo hoàn thành đăng ký trước 30/10/2024 và xử lý dứt điểm trước 31/12/2024. Với tàu cá hết hạn đăng kiểm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn chủ tàu chấp hành thực hiện theo luật; xem xét thành lập cơ sở đăng kiểm tàu cá ngoài chức năng quản lý nhà nước để thực hiện kịp thời cho cho tàu cá tại địa phương. Nhiệm vụ này sẽ hoàn thành vào cuối 2024.
UBND các huyện cũng đang hướng dẫn chủ tàu cá triển khai đăng ký theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23/2018/TT-BNNPTNT).
Từ đầu năm 2024 đến nay, tàu cá cập cảng có 5.799 lượt, tàu cá rời cảng 5.734 lượt. Tỉnh đã, đang chỉ đạo ngành NN&PTNT, các đồn biên phòng tuyến biển, công an xã phối hợp với các địa phương xử lý triệt để tình trạng tàu cá vào bãi ngang, cảng cá tư nhân để bốc hàng hóa thủy sản từ khai thác.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng các sở, ban, ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chống khai thác IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, công tác IUU là nhiệm vụ hết sức cấp bách, quan trọng hiện nay.
Thứ trưởng Tiến yêu cầu tỉnh nắm chắc tình hình, xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá cố tình vi phạm IUU. “Tập trung lãnh, chỉ đạo thôi chưa đủ, mà cần phải triển khai công tác chống khai thác IUU thực chất, cụ thể hơn; quản lý, giám sát chặt hơn hoạt động của các tàu cá khi vươn khơi, bám biển. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh phải nhìn thẳng sự thật, thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, tồn tại từ thực tế hiện nay để tập trung khắc phục”, ông Tiến nói.
Liên quan lĩnh vực, ngày 25/9, Sở Tư pháp Bạc Liêu chủ trì tổ chức Hội nghị ký kết Kế hoạch phối hợp Sở NN&PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; UBND TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải về tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU.
Sở Tư pháp đã dự thảo kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU với các nội dung tổ chức biên soạn phát hành tờ gấp, áp phích, treo pano và tổ chức hội nghị tuyên truyền, với các hình thức nội dung đa dạng, phong phú tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho tổ chức, cá nhân hiểu rõ; không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU theo quy định của BLHS và Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, đại diện Sở Tư pháp đề nghị các đơn vị ký kết phối hợp chặt chẽ, phương pháp tuyên truyền theo hướng tiếp cận sát, đáp ứng nhu cầu của đối tượng, vận dụng linh hoạt nhiều hình thức tuyên truyền như: Tuyên truyền miệng thông qua tổ chức hội nghị, cấp phát tờ gấp, pano, áp phích...; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh) để công tác tuyên truyền chống khai thác IUU thực sự có hiệu quả để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong khai thác thủy sản của chủ tàu cá và ngư dân.
Thùy Nhung
Nguồn Pháp Luật VN : https://baophapluat.vn/thua-thien-hue-quyet-xu-ly-dut-diem-tau-ca-3-khong-2-khong-post526860.html