Thế nhưng, ung thư vẫn âm thầm tìm đến. Và câu hỏi ông đặt ra - cũng là nỗi trăn trở của nhiều người:
“Tại sao tôi và vợ tôi - hai người sống rất lành mạnh - vẫn bị ung thư?”
Phải chăng nguyên nhân không nằm ở cách sống, mà nằm ở thứ tưởng như hiển nhiên: bữa ăn hàng ngày?
Hình minh họa
Khi “rau sạch” là ảo ảnh và thuốc trừ sâu là sát thủ vô hình
Trong một cuộc phỏng vấn trên Báo Đại Đoàn Kết, ông chia sẻ rằng suốt nhiều năm, vợ chồng ông chỉ mua rau quả “mùa nào thức ấy” từ các chợ dân sinh. Nhưng rồi ông nhận ra: “mùa nào thức ấy” không có nghĩa là “tự nhiên”, càng không đồng nghĩa với “an toàn”. Rau sạch ngoài chợ không hẳn đã sạch, bởi tồn dư thuốc trừ sâu là điều khó tránh khỏi trong một nền nông nghiệp chạy theo sản lượng.
Ông dẫn số liệu của Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng trình bày trước Quốc hội: Việt Nam nhập khẩu 126.000 tấn thuốc trừ sâu năm 2017, giảm còn 83.000 tấn năm 2018, nhưng vẫn đạt 76.000 tấn chỉ trong 10 tháng đầu năm 2019. Những con số đủ để làm nhiễm độc không chỉ đất đai, nguồn nước mà cả bữa cơm gia đình.
Với một số người trồng rau, việc chia hai luống - một để ăn (xấu mã, không thuốc), một để bán (xanh mướt, ngậm hóa chất) - gần như là “bí quyết nghề nghiệp”. Và chúng ta - người tiêu dùng - đang vô thức trở thành nạn nhân của sự đảo ngược đạo đức ấy.
Thực phẩm bẩn không chỉ là rau
Rau quả chỉ là phần nổi. Thực tế, toàn bộ chuỗi thực phẩm tại Việt Nam đang đối mặt với vô vàn nguy cơ khác:
Năm 2024, gần 3.000 tấn giá đỗ tại Đắk Lắk được sản xuất bằng hóa chất kích thích tăng trưởng 6-Benzylaminopurine – chất có thể gây rối loạn sinh sản và dị tật bẩm sinh.
Đầu 2025, hơn 13 tấn thực phẩm nhập lậu gồm xúc xích, thịt đóng gói, bánh kẹo không rõ nguồn gốc được phát hiện tại Hà Nội.
Không ít cơ sở bị phát hiện dùng hóa chất công nghiệp tẩy rửa thịt ôi, rượu pha cồn công nghiệp, nước mắm không cá, sữa giả, thuốc giả, thậm chí bán tại các siêu thị, hiệu thuốc, bệnh viện lớn.
Tất cả những sản phẩm đó - được đánh bóng bằng màu sắc, hương vị và chiêu trò tiếp thị - đang âm thầm gieo độc vào từng tế bào trong cơ thể người tiêu dùng.
Hình minh họa
Đã đến lúc phải tỉnh thức
Trong câu chuyện thực phẩm bẩn, không ai vô can. Người bán, người mua, người quản lý - mỗi bên đều có phần trách nhiệm.
Người tiêu dùng, đôi khi vì tiện, vì rẻ, vì thói quen mà dễ dãi với chính cơ thể mình và người thân. Mỗi lần chọn một món ăn không rõ nguồn gốc, là một lần đánh cược với sức khỏe - mà cái giá đôi khi là cả mạng sống.
Người sản xuất - người bán, cần nhớ: những gì họ đưa ra thị trường hôm nay, sớm muộn cũng quay trở lại chính mâm cơm gia đình họ. Không ai có thể đứng ngoài vòng xoáy ấy.
Cơ quan quản lý, nếu chỉ kiểm tra lấy lệ, xử phạt chiếu lệ, thì những số liệu cảnh báo chỉ là vô nghĩa. Quản lý thị trường không nên chỉ thực hiện theo phong trào, kế hoạch, mà phải dựa vào trách nhiệm. Vi phạm phải bị xử lý đủ mạnh, đủ răn đe - để không ai dám làm sai và người dân không còn phải dè chừng mỗi khi đi chợ.
Thực phẩm không chỉ là chuyện ăn uống. Nó là tấm gương phản chiếu đạo đức và trình độ quản lý của một xã hội. Để có được những bữa cơm an lành, thì phải cần sự tỉnh thức với việc đồng lòng từ cả ba phía nói trên.
Bệnh tật, đôi khi không đến từ lối sống buông thả, mà đến từ sự vô minh trong lựa chọn - từ một xã hội đã quen với cái giả mà quên mất điều thật.
Câu chuyện của vợ chồng GS.TSKH Nguyễn Lân Dũng không chỉ là một ca bệnh, càng không phải một lời oán trách, mà là một hồi chuông lặng lẽ mà vang vọng: đã đến lúc chúng ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức để giữ gìn mâm cơm. Tỉnh thức để bảo vệ một xã hội tử tế, nơi không ai phải nghi ngại thứ mình đưa vào miệng mỗi ngày.
Bình An