Thúc đẩy nhóm ngành STEM trong giáo dục

Thúc đẩy nhóm ngành STEM trong giáo dục
7 giờ trướcBài gốc
Trong bối cảnh tri thức và công nghệ được coi là “nguồn tài nguyên quý giá nhất” của thời đại số, nhiều quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục STEM nhằm tạo dựng lực lượng lao động có tư duy logic, khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo - những năng lực cốt lõi trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Với Việt Nam, việc ưu tiên phát triển giáo dục STEM là hướng đi chiến lược, góp phần tạo nền tảng vững chắc để sớm đưa đất nước bắt nhịp và vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Tuy nhiên, thực tế về lựa chọn môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đặt ra nhiều vấn đề về phát triển giáo dục STEM. So với các môn học thuộc khối STEM và khoa học tự nhiên, nhóm môn khoa học xã hội vẫn chiếm ưu thế về số lượng thí sinh đăng ký dự thi. Trong các môn tự nhiên, Vật lý có 354.298 thí sinh lựa chọn, chiếm khoảng 30,5%. Môn Hóa học ghi nhận 246.700 thí sinh đăng ký, tương đương 21,2%, trong khi Sinh học chỉ có 72.669 em dự thi, chiếm tỷ lệ khiêm tốn 6,2%. Đáng chú ý, môn Tin học chỉ có 7.716 thí sinh đăng ký, chiếm chưa đến 1% (0,6%), và môn Công nghệ Công nghiệp là môn ít được lựa chọn nhất, với vỏn vẹn 2.428 thí sinh, tương đương 0,2%.
Chính vì số lượng học sinh lựa chọn còn hạn chế nên đến nay, phần lớn các trường đại học vẫn chưa thực sự mặn mà trong việc đưa các môn thuộc khối STEM như Tin học, Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển. Thay vào đó, không ít trường lại mở rộng xét tuyển bằng các tổ hợp mới, trong đó ưu tiên các môn thuộc khối xã hội.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong khi yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển đổi số ngày càng cấp thiết, thì sự chênh lệch đáng kể về số lượng sinh viên theo học giữa nhóm ngành Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên trong những năm gần đây là “đáng báo động”, thậm chí là thách thức lớn. Thực tế, nhu cầu đào tạo và sử dụng lao động trong các lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ rất cao, nhưng nhiều trường đại học lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh các ngành này.
Thúc đẩy người học ngành STEM rất quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực tương lai
Không ít ý kiến cũng đồng tình rằng, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì tương lai các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật có thể phải đối diện với việc thiếu lực lượng lao động có trình độ cao.
Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những nguyên nhân khiến các ngành thuộc khối STEM chưa thu hút được nhiều thí sinh là do công tác truyền thông còn hạn chế. Xã hội, phụ huynh và học sinh hiện vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của khoa học tự nhiên trong việc thúc đẩy tiến bộ công nghệ và phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, nhiều học sinh chưa xem đây là lựa chọn hấp dẫn, thiếu động lực theo học, dù trên thực tế, nhóm ngành này giữ vai trò then chốt trong quá trình đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục THPT hiện nay được thiết kế theo định hướng nghề nghiệp, cho phép học sinh lựa chọn môn học theo sở thích và mục tiêu tương lai. Tuy nhiên, do các môn thuộc khối tự nhiên thường đòi hỏi kiến thức chuyên sâu và kỹ năng học tập cao, nên ít được học sinh lựa chọn. Thay vào đó, nhiều em có xu hướng chọn các môn học được cho là nhẹ nhàng hơn, ít áp lực và dễ đạt điểm cao.
Để hoàn thành mục tiêu đào tạo 1 triệu sinh viên khối STEM vào năm 2030, cũng như đáp ứng đủ nguồn lực phục vụ chiến lược phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo quốc gia, rõ ràng đã đến lúc phải sớm đổi mới giáo dục cũng như công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực STEM bền vững, cần chú trọng giảng dạy các môn học thuộc nhóm ngành này ngay từ bậc tiểu học và THCS. Điều này sẽ giúp học sinh hiểu được ý nghĩa, ứng dụng thực tiễn của các môn khoa học, đồng thời trang bị kiến thức nền tảng cho quá trình học tập và nghiên cứu chuyên sâu ở các cấp học cao hơn.
Bên cạnh đó, nhà trường cần đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên giảng dạy STEM, đẩy mạnh áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại như học qua dự án, công nghệ thực tế ảo, mô phỏng, cũng như tích hợp công nghệ AI vào quá trình giảng dạy.
Cũng có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần xem xét điều chỉnh theo hướng tăng số lượng môn thi tốt nghiệp, yêu cầu mỗi học sinh thi ít nhất một môn trong cả 2 nhóm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Hồng Sơn
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-nhom-nganh-stem-trong-giao-duc-164305.html