Để phát triển bền vững ngành dừa cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.
Xuất khẩu 4 nhóm sản phẩm từ dừa
Theo Hiệp hội dừa Việt Nam thông tin, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa của nước ta đạt 1,089 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu được phân thành 4 nhóm sản phẩm chính.
Nhóm 1, sản phẩm ngành thực phẩm, mỹ phẩm và y dược với hơn 45 loại sản phẩm đa dạng, phong phú, hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chế biến sâu, đóng góp 43%, tương đương 470 triệu USD vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhóm 2, sản phẩm ngành thủ công mỹ nghệ, gỗ và giá thể nông nghiệp với hơn 30 loại sản phẩm đa dạng, gồm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gỗ, mụn dừa giá thể, than gáo dừa, chất xử lý môi trường từ than và các loại máy móc cơ khí sản xuất chuyên ngành dừa. Ở nhóm này, hầu hết doanh nghiệp, cơ sở nhỏ. Chỉ khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, còn lại là doanh nghiệp thương mại không ổn định, đóng góp khoảng 246 triệu USD, tương đương 23% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Nhóm 3, các sản phẩm nguyên liệu như dầu dừa thô, bột béo từ nước dừa, dừa cấp đông, nước cốt dừa cấp đông… Nhóm này hiện có 5 doanh nghiệp trong nước và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tham gia đầu tư và đang hoạt động ngày càng phát triển trong khoảng 3 năm gần đây. Tuy nhiều cách nhìn chưa đánh giá cao nhóm ngành này, nhưng thực sự đây là nhóm các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu, sản xuất góp phần gia tăng giá trị quả dừa cho bà con nông dân đáng kể nhất, đóng góp khoảng 18% vào kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tương ứng 198 triệu USD.
Cuối cùng là sản phẩm sản xuất, kinh doanh dừa tươi, đạt 175 triệu USD, chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Hiện có 16 chủng loại dừa tươi uống nước được trồng ở Việt Nam. Tuy nhiên doanh nghiệp và thị trường chỉ mới khai thác 5 loại như: dừa xiêm lùn, dừa xiêm xanh, dừa éo, dừa dứa và dừa ta uống nước… để xuất khẩu. Doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các loại dừa uống nước nổi tiếng như: dừa Tam Quan (Bình Định), dừa Ninh Đa (Khánh Hòa)…, đây là tiềm năng còn bỏ ngỏ.
Theo các chuyên gia nông nghiệp đánh giá ngành dừa Việt Nam không chỉ là ngành kinh tế nông nghiệp có tiềm năng lớn mà còn là hình mẫu lý tưởng cho phát triển kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, từ thân, lá, trái, đến vỏ và xơ dừa,... tất cả đều có thể được tái sử dụng, tạo ra những giá trị mới, hạn chế lãng phí tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, cây dừa với khả năng chịu hạn tốt và thích nghi cao cũng là giải pháp nông nghiệp hiệu quả để ứng phó với tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Thách thức và cơ hội tăng trưởng cho ngành dừa
Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dừa nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có mặt hàng này để xuất khẩu, trong đó có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90% (đứng đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Hà Lan). Qua đó, cho thấy tiềm năng lớn của ngành chế biến, xuất khẩu dừa Việt Nam.
Bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Những yếu tố này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng chiến lược để ngành dừa không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều nhà máy sơ chế của Trung Quốc, chuyên sản xuất nước dừa cấp đông và nước cốt dừa cấp đông đã đi vào hoạt động ổn định. Một số doanh nghiệp mới còn được thành lập trong thời gian gần đây, khiến giá dừa nguyên liệu tại Việt Nam tăng cao đáng kể. Điều này, mặc dù mang lại lợi ích tức thời cho người nông dân nhưng lại đặt các nhà máy chế biến Việt Nam vào tình thế khó khăn, không thể xoay xở kịp trước sự cạnh tranh gay gắt về giá từ các tập đoàn này.
Ông Khoa cho rằng để phát triển bền vững ngành dừa cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, vì xuất khẩu dạng này mang lại giá trị thấp và làm giảm sức hút đầu tư của các nhà máy trong nước. "Đồng thời, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng nguồn lực trong nước để phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từ dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng chính là mục tiêu trọng tâm mà Hiệp hội dừa Việt Nam hướng tới trong thời gian tới", ông Khoa nói thêm.
Ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và các đối tác quốc tế để triển khai các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, kết nối chuỗi cung ứng để thúc đẩy chuỗi sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dừa, hỗ trợ các doanh nghiệp và địa phương xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đảm bảo ngành dừa Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả.
(Theo baochinhphu.vn)