Thúc đẩy sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam

Thúc đẩy sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Chiều ngày 14/10, Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm thành lập. Phát biểu tại sự kiện này, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết: Hiện nay, hai từ khóa luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và nước ta đã có cam kết hướng tới Net-zero vào năm 2050.
Các thành viên của Liên minh đã sử dụng logo PRO Việt Nam trên bao bì sản phẩm của mình như một minh chứng cho cam kết thu gom và tái chế bao bì mà họ đã đưa ra thị trường. Ảnh: Minh Khuê
Theo ông Bùi Thế Duy, nền kinh tế sẽ không phát triển được nếu không phát triển xanh và trong quá trình đó vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo rất quan trọng. “Từ khâu bao bì cũng phải đổi mới để có bao bì mới, thân thiện và tiết kiệm hơn” - ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh và mong nuốn Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam sẽ tạo ra sự cam kết, tạo ra dẫn dắt, thúc đẩy tái chế cho các doanh nghiệp khác, đặc biệt là hơn 96% doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Minh Khuê
Tuy nhiên, ông Bùi Thế Duy cũng lưu ý, hiện tại Liên minh đang hoạt động và thực hiện bài bản theo các quốc gia - đó là phân loại rác tại nguồn, sau đó doanh nghiệp cam kết thu gom tái chế lại. Song ở Việt Nam, câu chuyện phân loại và xử lý rác thải có phần khác so với thế giới. Cụ thể, đây là ngành kinh tế lớn, mang lại công ăn việc làm cho nhiều gia đình và những người thu gom rác đang đến từng hộ gia đình thu gom, phân loại. “Nếu thăm các làng xử lý tái chế nhựa ở Việt Nam sẽ thấy bất cập về công nghệ và ô nhiễm bởi họ dùng chủ yếu đốt, tách các thành phần để lấy các chất khác nhau trong chất thải. Vì vậy, Liên minh có thể quan tâm vấn đề này và tạo ra ý tưởng đổi mới sáng tạo, thúc đẩy xử lý tái chế hiệu quả cho các điểm này”- ông Duy đề xuất.
Bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - phát biểu. Ảnh: Minh Khuê
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - đề nghị, Liên minh cần thu hút nhiều hơn các thành viên tham gia, để có thể biến chất thải thành tài nguyên, nhiên liệu sau phân loại… Qua đó sớm chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang phát triển bền vững để thúc đẩy sớm hình thành nền công nghiệp tái chế tại Việt Nam.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch PRO Việt Nam, kể từ khi chính thức được thành lập vào năm 2019 với sự tham gia của 9 thành viên là các công ty hàng đầu trong và ngoài nước trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, phân phối và bán lẻ, tới nay PRO Việt Nam đã có 30 thành viên. Mỗi công ty tham gia Liên minh đều là những đơn vị dẫn đầu trong các lĩnh vực như sản xuất hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu, thu gom và tái chế.
Mục tiêu chung mà PRO Việt Nam hướng tới là bảo vệ môi trường và phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, nhiều công ty thành viên của Liên minh đã sử dụng logo PRO Việt Nam trên bao bì sản phẩm của mình như một minh chứng cho cam kết thu gom và tái chế bao bì mà họ đã đưa ra thị trường.
Ông Trai cho biết, trong năm 2024, khi quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) có hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại để thực thi nghĩa vụ EPR theo ủy quyền của các công ty thành viên. Bên cạnh đó, để tiếp tục phát huy những thành quả này, PRO Việt Nam kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn từ các cơ quan Chính phủ, đặc biệt là trong việc hoàn thiện các chính sách và cơ chế hỗ trợ ngành tái chế và quản lý rác thải.
Minh Khuê
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thuc-day-som-hinh-thanh-nen-cong-nghiep-tai-che-tai-viet-nam-352363.html