Phòng kinh doanh Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đại Long với nhiệm vụ đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đại Long, xã Xích Thổ (Nho Quan) là một trong những đơn vị đầu tiên sản xuất cơm cháy ở Ninh Bình, là món ăn đặc sản nổi tiếng của tỉnh. Trước đây, cơm cháy được sản xuất theo công nghệ truyền thống, do đó chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đưa cơm cháy trở thành món quà của mỗi du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng, năm 2010, Công ty đã nghiên cứu cho ra đời sản phẩm cơm cháy chà bông, vừa là sản phẩm kế thừa truyền thống, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với việc đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc hiện đại cùng quy trình sản xuất theo dây chuyền khép kín đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2020, Công ty có 2 sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao đó là Cơm cháy chà bông và cơm cháy siêu thuốc.
Để thương hiệu ngày càng vươn xa, Công ty đã thành lập đội Marketing xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước. Đồng thời, ứng dụng công nghệ để đóng gói, truy xuất nguồn gốc, mã vạch, minh bạch thông tin, giúp người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm thông tin sản phẩm.
Hiện nay, Công ty đã sản xuất hơn 40 sản phẩm, thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Hiện Công ty mở rộng được hơn 2.000 đại lý trong và ngoài tỉnh cung cấp các sản phẩm cơm cháy phục vụ thị trường và phân phối sản phẩm cho các cửa hàng nông sản sạch, hệ thống siêu thị.
Sản phẩm của Công ty đã đạt Huy chương vàng và Cúp vàng danh hiệu thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Công ty hiện giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động địa phương với mức lương từ 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thương mại Đại Long cho biết: Đối với Công ty, việc chuyển đổi số được Công ty áp dụng từ 5 năm trở lại đây nhưng đã đem lại hiệu quả rất lớn. Với việc đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử đã giúp cho khách hàng biết đến sản phẩm cơm cháy là đặc sản của Ninh Bình và khi nhắc đến cơm cháy Ninh Bình là khách hàng nhớ ngay tới cơm cháy Đại Long.
Thông qua các sàn thương mại điện tử, khách hàng đã tìm đến với Đại Long nhiều hơn với đa dạng các kênh tiếp cận như trên Fanpage, Facebook, Zalo. Thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng khu sản xuất với việc hoàn thành xây dựng khu nhà xưởng rộng 3 ha tại xã Xích Thổ với quy trình sản xuất khép kín để phấn đấu đưa sản phẩm Cơm cháy xưa và Cơm cháy Ninh Bình vàng lên hạng OCOP 5 sao.
Đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia.
Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia, xã Gia Lâm (Nho Quan) là đơn vị quản lý Công viên trà hoa vàng Ninh Bình, là nơi sưu tầm và bảo tồn nguồn gen trà hoa vàng quý của Việt Nam. Hiện Công ty đã sưu tầm, bảo tồn được 32 loài, với vùng nguyên liệu 7 ha. Đến nay, có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là trà hoa vàng 50 gam, trà hoa vàng Vũ Gia túi lọc 20 gam, trà hoa vàng Cúc Phương và Trà hoa vàng Vũ Gia 20 gam, đinh lăng Vũ Gia.
Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhờ đó, sản phẩm của Công ty được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ thuận lợi hơn; giảm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên bán hàng… Trung bình mỗi tháng Công ty cung ứng ra thị trường 150kg sản phẩm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động địa phương.
Ông Phạm Tiến Duật, Phó Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh việc quảng bá. bán hàng trên các nền tảng số trong Công ty đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo cơ hội để chúng tôi quảng bá, giới thiệu về sản phẩm trà hoa vàng Cúc Phương ở Ninh Bình đến đông đảo người tiêu dùng, khách hàng tiềm năng, khách hàng đang sử dụng được thuận lợi hơn, với số lượng khách hàng lớn trong thời gian ngắn.
Dựa trên nền tảng số giúp chúng tôi giới thiệu được đầy đủ các hình ảnh, nội dung, câu chuyện sản phẩm, quy trình sản xuất mà Công ty đang ứng dụng tới khách hàng dễ dàng tiếp cận tìm hiểu. Từ đó giúp khách hàng thêm tin tưởng khi sử dụng sản phẩm trà hoa vàng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Hiện nay, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử của Công ty chiếm 40-50%.
Toàn tỉnh hiện có 209 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Để sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, ngoài bán hàng qua kênh truyền thống, các ngành chức năng đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, hướng dẫn các chủ thể xây dựng video, livestream trên các nền tảng số. Qua đó, giúp các công ty, HTX, chủ thể tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước, góp phần nâng cao doanh thu cho chủ thể, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường: Để giúp các chủ thể mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng năm Sở đều phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, trong đó trọng tâm là chuyển đổi số để đưa các sản phẩm lên giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội . Ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cho các chủ thể tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu các sản phẩm tới đa dạng khách hàng một cách nhanh nhất.
Có thể nói, việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử đã giúp sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp cận nhanh hơn với người tiêu dùng trên toàn quốc. Đây là nền tảng, tạo bước đi bền vững cho sản phẩm OCOP địa phương trên thị trường. Đặc biệt là các chủ thể đã chủ động ứng dụng công nghệ trong các công đoạn sản xuất, chế biến, cũng như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc bằng QR Code để người tiêu dùng yên tâm sử dụng. Chuyển đổi số đã giúp ngành nông nghiệp nói chung và các chủ thể quảng bá rộng rãi hơn, tăng doanh số bán hàng, mở rộng các kênh tiêu thụ, từ đó đưa sản phẩm địa phương vươn ra thị trường thế giới.
Bài, ảnh: Hồng Nhung