Thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương năm 2025 ra sao?

Thực hiện kế hoạch cải cách tiền lương năm 2025 ra sao?
2 ngày trướcBài gốc
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 theo Quyết định số 252/QĐ-BNV ngày 22/3/2025. Kế hoạch này nhằm triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp cải cách hành chính (CCHC), bám sát Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, các chỉ thị và quyết định của Chính phủ, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan thuộc Bộ. Kế hoạch cũng nhấn mạnh việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm và hiệu quả công tác của từng đơn vị thuộc Bộ Nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025. Ảnh: VGP
Thực hiện cải cách tiền lương
Nội dung chính của kế hoạch tập trung vào bảy nhiệm vụ cụ thể. Thứ nhất, về cải cách thể chế, Bộ Nội vụ sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ và khả thi. Trọng tâm là nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, chế độ cán bộ, chính quyền địa phương, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng, dịch vụ sự nghiệp công và các lĩnh vực khác.
Đồng thời, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ các dự thảo luật quan trọng như Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cùng nhiều nghị định, quyết định khác nhằm kiện toàn thể chế quản lý nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thực thi pháp luật cũng được đẩy mạnh, với việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực và tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Thứ hai, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối bên trong, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ cũng chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức chính quyền địa phương, hướng đến mô hình chính quyền hai cấp. Các báo cáo đánh giá thực hiện Hiến pháp, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp cũng sẽ được triển khai.
Thứ ba, về cải cách chế độ công vụ, tiếp tục rà soát và hoàn thiện quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Công tác đánh giá cán bộ sẽ dựa trên tiêu chí minh bạch, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ. Kiểm tra kỷ luật lao động, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ cũng sẽ được đẩy mạnh. Việc tinh giản biên chế được thực hiện theo lộ trình với các nghị định quy định cụ thể về vị trí việc làm và số lượng cán bộ.
Thứ tư, về cải cách chính sách tiền lương, triển khai thực hiện các chính sách mới theo Kết luận số 83-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm tiền lương gắn với vị trí việc làm, năng suất và chất lượng công việc. Chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cũng sẽ được nghiên cứu và triển khai phù hợp.
Số hóa 80% thủ tục hành chính
Thứ năm, về cải cách tài chính công, Bộ Nội vụ triển khai cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng chính sách huy động nguồn lực hợp lý để giảm áp lực ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc quản lý, sử dụng tài chính công sẽ được giám sát chặt chẽ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.
Thứ sáu, về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, công khai và minh bạch các TTHC, loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo. Mục tiêu là tối thiểu 80% TTHC thuộc thẩm quyền của bộ được cung cấp trực tuyến toàn trình, với 80% hồ sơ được luân chuyển điện tử và ít nhất 80% dịch vụ thanh toán nghĩa vụ tài chính thực hiện trực tuyến. Đồng thời, bộ triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp.
Thứ bảy, về hiện đại hóa hành chính, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ số và các hệ thống quản lý điện tử, hướng tới số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan sẽ được tăng cường, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025 của Bộ Nội vụ hướng đến một nền hành chính hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm giải trình, cải thiện chất lượng dịch vụ công và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Lê An
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/thuc-hien-ke-hoach-cai-cach-tien-luong-nam-2025-ra-sao-380813.html