Cải tạo chung cư cũ là một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, đến hết năm 2024, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 29,1m2/người, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 28,8m2/ người. Tổng diện tích sàn nhà ở phát triển mới theo dự án, từ năm 2021 đến nay đạt khoảng 6,623 triệu m2 sàn, khoảng 42.783 căn nhà. Trong đó, nhà ở thương mại đạt khoảng 5,68 triệu m2 sàn, 28.631 căn nhà; nhà ở tái định cư khoảng 0,225 triệu m2 sàn, 2.818 căn hộ; nhà ở xã hội khoảng 0,717 triệu m2 sàn, 11.334 căn hộ. Năm 2025, dự kiến trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 6,325 triệu m2 sàn nhà ở hoàn thành với khoảng 43.770 căn nhà phát triển theo dự án; trong đó có khoảng 6,061 triệu m2 sàn nhà ở thương mại với khoảng 39.100 căn nhà tại 27 dự án; khoảng 0,264 triệu m2 sàn nhà ở xã hội với khoảng 4.670 căn hộ tại 8 dự án. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt khoảng 12,947 triệu m2 sàn nhà ở phát triển theo dự án; dự kiến đạt khoảng 81% chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 03. Về phát triển nhà ở xã hội,giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành khoảng 16.000 căn hộ, đạt khoảng 64% chỉ tiêu.
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra tại Chương trình số 03 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đang tập trung triển khai các khu nhà ở xã hội tập trung. Riêng trong năm 2024, Sở Xây dựng đã hoàn thành lập hồ sơ đề xuất 4 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại huyện Đông Anh và Gia Lâm với quy mô hơn 200 ha đất, khoảng 0,83 triệu m2 sàn nhà ở, tương đương 12.300 căn hộ.
Các đơn vị liên quan cùng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang triển khai trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với hai dự án khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh, Gia Lâm để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
Tin vui với những người dân, thành phố Hà Nội đang đề xuất xây mới 14-15 khu nhà ở xã hội tập trung với quy mô khoảng 2.000 căn hộ/khu. Đồng thời, thành phố đề xuất lựa chọn 2-3 khu có vị trí gần các khu công nghiệp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê bằng nguồn vốn đầu tư công theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Cùng với đó, thành phố yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội để đề xuất tổ chức lập đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Thành ủy Hà Nội đã có chỉ đạo cụ thể đối với công tác cải tạo chung cư cũ với mục tiêu cuối năm 2024 lựa chọn được nhà đầu tư để khởi công xây dựng, cải tạo lại 1-2 khu chung cư cũ trong năm 2025. Thời gian thực hiện dự án trong khoảng 3 năm. Đến nay, Sở Xây dựng đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết; kiểm định, đánh giá chất lượng nhà chung cư; lựa chọn chủ đầu tư. Hai dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư dự kiến được khởi công trong năm nay là tại 51 phố Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa và khu tập thể Dịch vụ vận tải đường sắt, số 1 phố Định Công, quận Hoàng Mai.
Mặc dù đã có nhiều giải pháp mới và nỗ lực, song công tác cải tạo chung cư cũ trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Chương trình số 03 của Thành ủy, việc bố trí nguồn vốn phục vụ công tác lập, phê duyệt quy hoạch và kiểm định còn bị kéo dài. Việc xác định thời gian sử dụng còn lại khi thực hiện kiểm định theo Luật Nhà ở 2023 (Điều 58), Sở Xây dựng đã có Văn bản số 3099/ UBND-SXD ngày 19/9/2024 gửi Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn xác định thời gian được tiếp tục sử dụng nhà chung cư cũ theo Luật Nhà ở, tuy nhiên đến nay chưa được Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị, các đơn vị tiếp tục rà soát một số chỉ tiêu đang thực hiện, trong đó có cải tạo xây dựng chung cư cũ để đề xuất thành phố các giải pháp tháo gỡ khó khăn. Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý, cần khai thác các cơ chế, chính sách, đặc biệt là những chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô năm 2024 để triển khai thực hiện với hiệu quả, sản phẩm cụ thể.
MINH THU