Thực hiện Thông tư 29: Cần sự đồng hành của phụ huynh

Thực hiện Thông tư 29: Cần sự đồng hành của phụ huynh
một ngày trướcBài gốc
Cha mẹ đồng hành cùng con học bài
Thay đổi từ phụ huynh
Năm học này, chị Lê Thị Ngọc Tâm (quận Phú Xuân) có 2 con đều đang học Trường tiểu học Trần Quốc Toản, đứa lớn học lớp 5, đứa nhỏ học lớp 2. Từ khi Thông tư 29 được ban hành, 2 con của chị Ngọc Tâm nghỉ học thêm. Như nhiều phụ huynh khác, ban đầu, chị Tâm cũng băn khoăn và lo lắng. Chị bày tỏ: “Nếu không học thêm, làm sao để con học hiệu quả là điều khiến tôi băn khoăn. Trong khi đó, tôi không có nghiệp vụ sư phạm như thầy, cô nên rất lo lắng không biết dạy con học thế nào, sợ con không hiểu hoặc sợ mình giảng sai phương pháp”.
Thay vì đưa đón con đi học thêm sau giờ tan trường như trước đây, bây giờ, nếu không đi học tiếng Anh, chị Tâm sắp xếp thời gian để nhắc nhở con học bài. May mắn là từ nhỏ, các con của chị được rèn kỹ năng tự học nên mọi việc nhanh chóng đi vào nền nếp. Chị Tâm kể: “Từ lớp 1, tôi đã tập cho các con ngồi vào bàn học vào mỗi tối, không làm bài tập thì vẽ nhưng cứ ngồi cho quen. Giờ không đi học thêm, tôi thường kiểm tra hôm nay con học gì ở lớp để ôn lại kiến thức, cho con làm bài tập trên các phần mềm Vioedu, Trạng nguyên tiếng Việt để trang bị thêm kiến thức và rèn cách làm bài”.
Có con trai năm nay học lớp 6, anh Nguyễn Ngọc Hiếu (quận Thuận Hóa) cho hay, với học sinh cấp trung học cơ sở, việc học thêm không thay đổi. Tuy nhiên, những mục tiêu Thông tư 29 hướng tới khiến anh nhìn nhận lại việc học thêm của con mình: “Tôi lo lắng con không theo kịp chương trình nên đăng ký cho cháu học thêm khá nhiều, hầu như suốt tuần. Thậm chí, những môn chính học đến 2 giáo viên khác nhau. Khi theo dõi những thông tin liên quan đến việc thực hiện Thông tư 29, tôi giật mình nhận ra mình đang làm khổ con nên giảm các lớp học thêm”.
Nhìn lại việc học của con, anh Hiếu nhận ra rằng, không thể phó thác toàn bộ cho thầy, cô giáo. Vợ chồng anh thay phiên nhau để học cùng con. Từ đó, họ hiểu được mặt hạn chế của con để tìm cách định hướng cho con. “Trước đây, khi con chưa đạt điểm như kỳ vọng, mình hay la mắng, trách móc sao ba mẹ đầu tư cho con học nhiều mà điểm số của con tệ thế. Bây giờ, khi đồng hành cùng con học mỗi ngày, mình nhận ra những khó khăn con đang gặp phải để có cách cùng con xây dựng nền tảng kiến thức. Với bài khó, mình còn đọc, tìm cách giải để giúp con. Giảm bớt thời gian đưa đón con đi học thêm, bố mẹ và con cái cũng có thêm thời gian để gắn kết với nhau hơn”, anh Hiếu nói.
Vai trò đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ
Khi Thông tư 29 ban hành, trên các diễn đàn, phụ huynh lo lắng nếu không học thêm, con mình không thể đáp ứng nổi chương trình học, không thể đạt kết quả cao trong các kỳ thi. Nhiều người than phiền khó quản lý con khi giờ đây học sinh có thêm thời gian rảnh ở nhà, sợ nghiện game, sa đà vào thiết bị điện tử...
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 hướng tới sự phát triển toàn diện cho học sinh. Các em cần thời gian để tìm hiểu, trải nghiệm thêm các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao phù hợp với sở thích, trang bị các kỹ năng thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức. Để làm được điều này, đòi hỏi sự thay đổi không chỉ từ nhà trường mà cả với phụ huynh. Vì những mục tiêu lâu dài, các bậc phụ huynh cần thay đổi nhận thức, thu xếp công việc, dành thời gian tìm hiểu chương trình học để đồng hành cùng con.
Theo ông Nguyễn Vinh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với quan điểm, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học, được cụ thể hóa bằng những yêu cầu cần đạt ở từng môn học, cấp học; đổi mới toàn diện và đồng bộ từ chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Thời lượng và nội dung chương trình được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với học sinh từng cấp học, đảm bảo học sinh được phát triển toàn diện và phát huy năng lực, sở trường cá nhân.
Phụ huynh cho con học thêm nhiều là vì còn chưa yên tâm với chất lượng học tập của con ở trường. Ngành giáo dục sẽ có những giải pháp nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, giảm bớt gánh nặng học thêm của học sinh. Ngành giáo dục cũng yêu cầu các nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, giúp phụ huynh hiểu rõ hơn năng lực, sở trường và quá trình học tập của học sinh. Từ đó, phụ huynh xác định đúng đắn hơn nhu cầu học tập và rèn luyện của học sinh để có thể đồng hành cùng con.
Hạn chế học thêm tràn lan có thể là một thách thức ban đầu khi thực hiện Thông tư 29. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của Thông tư. Quan trọng hơn cả là vai trò đồng hành, hỗ trợ của cha mẹ để các em học sinh sớm thích ứng, vươn lên và tự học, thay vì phụ thuộc vào các lớp học thêm.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
Nguồn Thừa Thiên Huế : https://huengaynay.vn/giao-duc/thuc-hien-thong-tu-29-can-su-dong-hanh-cua-phu-huynh-152158.html