Cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư, giúp nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS
Theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Dơ Woang Ya Gương, việc làm tốt công tác tuyên truyền đã giúp đồng bào các DTTS nhận thức sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa của các chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch đầu tư vùng đồng bào DTTS, nhất là các chương trình MTQG. Từ đó, người dân đã chủ động, tích cực tham gia vào các phong trào, góp phần xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Nhờ vậy, mà tiến độ thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình MTQG đã được đẩy nhanh. Tiến độ giải ngân các chương trình MTQG năm 2024, dự kiến cao hơn năm 2023 khoảng 30%; qua đó, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 97% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 98% hộ sử dụng điện lưới hoặc nguồn điện phù hợp; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường; 93% người dân tham gia Bảo hiểm y tế… Dự kiến, kết thúc năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng đồng bào DTTS giảm xuống còn khoảng 2% so với 8,75% năm 2023 và 14,22% năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng so với 45 triệu đồng năm 2023 và gần gấp đôi so với năm 2020.
Một trong những thành tựu to lớn của công tác tuyên truyền và thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc thời gian qua ở địa phương là đã góp phần khơi dậy và cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của người dân vùng đồng bào DTTS. “Ngày càng có nhiều con em đồng bào DTTS học giỏi, học lên cao, trở thành kỹ sư, bác sĩ giỏi..., nhiệt huyết cống hiến cho quê hương và Tổ quốc. Người dân ngày càng mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và áp dụng khoa học - kỹ thuật”, ông Dơ Woang Ya Gương cho biết. Theo đó, hiện toàn tỉnh có hơn 350 doanh nghiệp, hơn 50 hợp tác xã, tổ hợp tác do đồng bào DTTS làm chủ, đứng đầu với tổng vốn điều lệ hơn 2.770 tỷ đồng, không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động mà còn có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của địa phương.
Những kết quả tích cực này khẳng định tính hiệu quả của việc thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, việc triển khai ở một số địa phương vẫn còn chưa sâu sát; việc kiểm tra, đánh giá chưa hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng vẫn còn khá cao, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, cơ sở hạ tầng tuy được đầu tư mạnh mẽ nhưng chưa đồng bộ, chưa theo kịp nhu cầu phát triển của người dân… Tiến độ giải ngân nguồn vốn cho các chương trình MTQG vẫn còn chậm do trùng lặp đối tượng áp dụng giữa các chương trình; các văn bản hướng dẫn của Trung ương thiếu cụ thể, gây lúng túng trong quá trình triển khai... Ngoài ra, quá trình sáp nhập và chuyển chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc tại cấp huyện cũng đã gây không ít khó khăn trong công tác chỉ đạo và triển khai ở địa phương.
Người dân ngày càng mạnh dạn mở rộng đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
Tuy nhiên, nhờ nhận được sự quan tâm, tháo gỡ kịp thời của các bộ, ban, ngành Trung ương, việc thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình MTQG trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Trong đó, việc ban hành Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp các huyện chủ động, linh hoạt điều chỉnh nguồn vốn giữa các dự án, ưu tiên những dự án có khả năng giải ngân tốt, phù hợp với đặc thù của địa phương. Từ đó, giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nâng cao hiệu quả, trực tiếp mang lại thay đổi thiết thực cho đời sống người dân, phát triển vùng đồng bào DTTS bền vững.
Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV năm 2024 cũng đã góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng bào các DTTS trên toàn tỉnh càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tính thiết thực và hiệu quả của các chính sách dân tộc và chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đại hội cũng đã góp phần cổ vũ, động viên đồng bào DTTS tự tin nỗ lực, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Theo ông Dơ Woang Ya Gương, để thúc đẩy và hỗ trợ người dân trong quá trình vươn lên này, thời gian tới, tỉnh không chỉ tập trung triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc do Trung ương ban hành mà còn thực hiện đồng bộ với các chính sách hiện hành của địa phương. Cùng với đó, tỉnh sẽ chú trọng công tác tham mưu và đề xuất các đề án, cơ chế chính sách dân tộc đặc thù, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng giai đoạn phát triển. Ưu tiên các nguồn vốn từ ngân sách cũng như huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo hiệu quả. Các lĩnh vực hạ tầng quan trọng như giao thông và thủy lợi phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp sẽ được chú trọng hoàn thiện.
Với những nỗ lực này, người dân vùng đồng bào DTTS có quyền hy vọng về một năm 2025 tốt đẹp hơn - đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, hạ tầng giao thông, thủy lợi ngày càng đồng bộ, y tế, giáo dục phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của người dân.
Năm 2024, Lâm Đồng phân bổ gần 269 nghìn tỷ đồng để triển khai 10 dự án thực hiện chương trình MTQG. Trong đó, một số dự án có kết quả giải ngân khá như: Dự án Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt (dự kiến hết năm 2024 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư và 51% vốn sự nghiệp); Dự án Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết (dự kiến hết năm 2024 sẽ giải ngân 100% vốn đầu tư); Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi (hiện đã giải ngân 70%, dự kiến hết năm 2024 giải ngân 100% vốn đầu tư)…
NHẬT QUỲNH