Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh chuyển trao quà của Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 đến gia đình liệt sĩ nhân Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính sách hậu phương quân đội, tiếp tục được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực. Trong 4 năm qua, Bộ CHQS tỉnh xây dựng và bàn giao 8 “Nhà tình nghĩa” cho quân nhân, đối tượng chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tặng 1 nhà, Công ty cổ phần Ngân hàng Quân đội MB tài trợ 2 nhà, còn lại từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của Quân khu 2 và Quân chủng Hải quân.
Thẩm định chặt chẽ hồ sơ, đề nghị Quân khu 2 chi trả chế độ trợ cấp một lần theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho 583 trường hợp còn tồn sót, tổng số tiền trên 1,3 tỷ đồng. Các huyện, thành phố, thị xã đã hoàn thành chi trả đầy đủ 583 đối tượng, tiếp nhận, thẩm định 42 hồ sơ gửi Quân khu 2 xét duyệt.
Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mai Sơn có bố từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể 81%. Năm 2007, do vết thương chiến tranh tái phát đã từ trần và được công nhận là liệt sĩ. Thượng tá Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: Là người trực tiếp thụ hưởng chính sách, tôi thấm thía sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Quân đội, nhất là luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh. Điều đó, thôi thúc tôi rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống gia đình cách mạng.
Từ năm 2021 đến nay, hơn 3.700 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang tỉnh đã tham gia đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” với tổng số tiền hơn 876 triệu đồng. Tỉnh tổ chức thăm hỏi, tặng 18.162 suất quà các gia đình chính sách trong dịp Tết Nguyên đán, tổng giá trị trên 9 tỷ đồng.
Cựu chiến binh Lò Văn Quốc, tiểu khu Phiêng Còng, thị trấn Thuận Châu, huyện Thuận Châu, từng tham gia chiến đấu tại miền Nam giai đoạn 1973-1974, xúc động cho biết: Do ảnh hưởng chất độc hóa học của chiến tranh, một người con trai tôi bị thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Hiện nay, tôi và con được hưởng trợ cấp hằng tháng. Đồng thời, thường xuyên nhận được sự quan tâm, thăm hỏi của cấp ủy, chính quyền địa phương, tiếp thêm động lực để gia đình vượt qua khó khăn.
Hiện nay, toàn tỉnh có 3.268 liệt sĩ, trong đó, 2.238 mộ chưa tìm thấy hoặc quy tập. Việc tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính liệt sĩ, Ban Chỉ đạo 515 tỉnh phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh ban hành Chương trình tuyên truyền, vận động người dân cung cấp thông tin giai đoạn 2023-2030. Năm 2024, các đơn vị tổ chức khảo sát tại ba địa bàn trọng điểm; tiếp nhận 3 hài cốt liệt sĩ trong nước, cất bốc, quy tập thêm 5 hài cốt. Tỉnh đã tiếp nhận 2 hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Đồng thời, tiếp nhận 9 hài cốt từ các tỉnh chuyển về, 1 hài cốt từ Bệnh viện Quân y 6 chuyển về Hà Tĩnh.
Tỉnh Sơn La thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với lực lượng vũ trang đang tại ngũ, nghỉ hưu hoặc thôi phục vụ. Trong năm 2024, tỉnh đã chi trả theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP cho 1.642 lượt cán bộ, tổng số tiền hơn 5,48 tỷ đồng; theo Quyết định 15/2009/QĐ-TTg cho 3.639 lượt cán bộ, chiến sĩ, tổng số tiền hơn 3,24 tỷ đồng; theo Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BQP-BNV-BTC, chi trả phụ cấp đặc thù Cơ yếu cho 487 lượt người với gần 1 tỷ đồng; theo Thông tư 09/2012/TT-BQP, hỗ trợ khó khăn đột xuất cho 346 lượt người với tổng số tiền 187,5 triệu đồng.
Ngoài ra, tỉnh đề nghị Quân khu 2 xem xét trợ cấp 4 quân nhân tại ngũ từ trần với tổng số tiền gần 547 triệu đồng và đề nghị công nhận bệnh hiểm nghèo cho 2 đồng chí đã nghỉ hưu. Toàn tỉnh có 34 cán bộ nghỉ hưu thuộc diện cấp tỉnh quản lý, trong đó, 16 đối tượng 1, 18 đối tượng 2.
Đại tá Hà Văn Dưng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các tồn đọng chính sách; thực hiện tốt chế độ đối với quân nhân xuất ngũ, nghỉ hưu, người có công và thân nhân liệt sĩ. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối tượng chính sách.
Chính sách hậu phương quân đội, không chỉ là sự đền đáp công lao những người lính đã hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do của dân tộc, mà còn là mạch nguồn nhân văn sâu sắc được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La gìn giữ, phát huy. Những kết quả đạt được, chính là minh chứng sinh động cho tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần củng cố vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: Phúc Lộc