Hàng rong cổng trường: Rẻ nhưng có an toàn?
Dạo quanh các trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, không khó để bắt gặp cảnh tượng hàng chục xe đẩy, gánh hàng rong tập trung ngay trước cổng trường vào giờ ra chơi và tan học.
Những món ăn vặt như cá viên, bò viên, xúc xích, xiên nướng, phô mai que, cùng nhiều loại bánh kẹo không rõ nguồn gốc được bày bán la liệt.
Mặc dù nhà trường đã thường xuyên tuyên truyền nhưng nhiều học sinh vô tư ăn uống ngay trước cổng trường.
Các sản phẩm này thường có màu sắc sặc sỡ, bao bì bắt mắt với hình ảnh các nhân vật hoạt hình nổi tiếng như Elsa, Doraemon, chuột Mickey..., thu hút sự chú ý của học sinh.
Giá cả lại rất rẻ, chỉ từ 2.000 - 10.000 đồng, phù hợp với túi tiền của các em nên mỗi khi tan trường, rất đông học sinh vây quanh những hàng rong này.
Tuy nhiên, khi hỏi về nguồn gốc thực phẩm, người bán hàng thường trả lời qua loa hoặc lảng tránh. Đặc biệt, các dụng cụ chế biến tại chỗ như bếp gas mini, chảo dầu tái sử dụng nhiều lần đều không đảm bảo vệ sinh.
Người bán không đeo găng tay khi chế biến, thực phẩm được để lộ thiên, bám đầy bụi bẩn. Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những món ăn này là rất cao.
Nỗi lo của phụ huynh
Chị Nguyễn Thị Bảy, một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Quỳnh Hồng (huyện Quỳnh Lưu), chia sẻ: "Nhiều lần tôi thấy con trai mua những gói bánh kẹo đầy màu sắc, nhưng khi mở ra lại có mùi hắc nồng nặc, bao bì chỉ toàn chữ nước ngoài. Tôi rất lo lắng về chất lượng của những thực phẩm này".
Hàng rong trước cổng trường THCS Quỳnh Hồng huyện Quỳnh Lưu
Anh Trần Đức Quỳnh (xã Văn Hải) cũng bày tỏ sự bất an: "Trẻ nhỏ chưa ý thức được vệ sinh thực phẩm, chỉ thấy ngon, rẻ là mua. Dù tôi đã dặn con không ăn nhưng khi bạn bè mua rồi chia sẻ trong giờ ra chơi, mình cũng khó kiểm soát".
Theo các chuyên gia y tế, học sinh là đối tượng dễ bị ngộ độc thực phẩm nhất do sức đề kháng còn yếu.
Việc thường xuyên tiêu thụ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột, thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài.
Cần giải pháp quyết liệt để xử lý
Nhằm hạn chế tình trạng học sinh mua thực phẩm từ hàng rong không đảm bảo vệ sinh, một số trường học trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện các biện pháp như đóng cổng trường trong giờ ra chơi, cấm học sinh ra ngoài mua hàng rong, đồng thời tuyên truyền về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn do người bán thường xuyên di chuyển để tránh bị kiểm tra.
Xe hàng rong lưu động trước cổng trường thu hút rất đông học sinh đến mua thức ăn, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Theo lãnh đạo các trường học, những hoạt động diễn ra ngoài khuôn viên trường không thuộc quyền quản lý của nhà trường, nên họ không thể xử lý người bán hàng rong.
Công an địa phương đã vào cuộc, tăng cường tuần tra vào giờ tan học, nhưng các quán hàng rong vẫn xuất hiện trở lại sau một thời gian tạm lắng.
Cô Nguyễn Hải Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Hồng, cho rằng: "Muốn dẹp bỏ hàng rong trước cổng trường thì cần có cơ chế xử lý nghiêm khắc hơn. Khi phát hiện người bán, cần lập biên bản, tịch thu hàng hóa hoặc xử phạt hành chính. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền địa phương mới chỉ dừng ở mức nhắc nhở, nên chưa đủ sức răn đe".
Về phía chính quyền, ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hải, cho biết địa phương đã nhiều lần kiểm tra, thu giữ hàng hóa không rõ nguồn gốc, lập biên bản nhắc nhở và yêu cầu người bán ký cam kết không tái phạm. Tuy nhiên, do đây là kế sinh nhai của nhiều hộ dân, nên việc kiểm soát vẫn gặp nhiều khó khăn.
Việc bán hàng rong trước cổng trường không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến trật tự giao thông, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe học sinh.
Các lực lượng chức năng phối hợp với nhà trường tuyên truyền và tiêu huy hàng hóa không rõ nguồn gốc bán trước cổng trường.
Để giải quyết triệt để vấn nạn này, cần có sự chung tay của nhà trường, phụ huynh và chính quyền địa phương.
Ngoài việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho học sinh nhận thức rõ những nguy hiểm của thực phẩm không đảm bảo vệ sinh.
Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, vấn nạn này mới có thể được kiểm soát hiệu quả, bảo vệ sức khỏe của thế hệ tương lai.
Gia Ân-Thanh Toàn