NỘI DUNG
1. Người bệnh trĩ cần thay đổi thói quen ăn uống
2. Chế độ ăn tốt cho người bệnh trĩ
3. Thực phẩm cần tránh
Nếu ăn thực phẩm không lành mạnh và thường xuyên có lối sống không lành mạnh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Bệnh trĩ là một trong những tình trạng dễ phòng ngừa và điều trị. Một cách tốt, hiệu quả để phòng ngừa hoặc điều trị bệnh trĩ là lựa chọn chế độ ăn uống phù hợp.
1. Người bệnh trĩ cần thay đổi thói quen ăn uống
Theo ThS.BS. Nguyễn Ngọc Đan, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, trĩ là tình trạng bệnh lý xuất hiện do sự giãn quá mức của các đám rối tĩnh mạch vùng hậu môn-trực tràng. Từ đó gây sưng tấy, đau, hay chảy máu hậu môn, đặc biệt sau mỗi lần đại tiện. Vì vậy bên cạnh việc thăm khám, điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh trĩ cần áp dụng lối sống tích cực, thay đổi thói quen ăn uống.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng bao gồm đủ chất xơ, đủ nước rất quan trọng với người bệnh trĩ.
Chế độ dinh dưỡng khoa học với thực đơn phù hợp, thực phẩm lành mạnh rất có lợi cho tình trạng của người bệnh trĩ. Khi duy trì chế độ ăn đúng sẽ có những lợi ích sau:
Thay đổi thói quen đi đại tiện: Chế độ ăn giàu chất xơ giúp phân mềm, dễ dàng di chuyển trong đường ruột, giảm tình trạng táo bón - một trong những nguyên nhân chính gây ra và làm nặng thêm bệnh trĩ.
Giảm áp lực lên tĩnh mạch trĩ: Khi phân mềm, việc đi đại tiện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, giảm áp lực lên các tĩnh mạch trĩ, hạn chế tình trạng sưng viêm và chảy máu.
Cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết: Một chế độ ăn cân bằng cung cấp đủ vitamin, khoáng chất giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ quá trình lành vết thương và phục hồi các mô bị tổn thương.
2. Chế độ ăn tốt cho người bệnh trĩ
Theo BS. Đoàn Hồng, chuyên khoa dinh dưỡng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, người bị táo bón cần duy trì một chế độ ăn lành mạnh, khoa học, tăng cường rau xanh, trái cây, uống đủ nước... và tránh ăn những thực phẩm có thể khiến tình trạng táo bón trầm trọng thêm.
Mục tiêu chính của chế độ ăn với người bệnh trĩ là giảm tình trạng rặn khi đi tiêu và ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh trĩ. Những người bị bệnh trĩ nên chọn những thực phẩm giàu chất xơ vì chúng có xu hướng làm tăng khối lượng phân và thúc đẩy nhu động ruột thích hợp, do đó ngăn ngừa và điều trị bệnh trĩ.
Một trong những thành phần chính của việc kiểm soát hoặc ngăn ngừa bệnh trĩ liên quan đến chế độ ăn uống là tuân theo chế độ dinh dưỡng cân bằng - chế độ dinh dưỡng bao gồm đủ chất xơ để giữ cho phân của mềm nhưng được định hình và diễn ra thường xuyên. Đối với hầu hết mọi người nên bổ sung 25-30 gam chất xơ mỗi ngày từ thực phẩm.
Tăng cường chất xơ, uống đủ nước... rất quan trọng khi bị bệnh trĩ.
Sau đây là thực phẩm tốt cho bệnh trĩ:
Rau lá: Những thực phẩm này rất bổ dưỡng, giàu chất chống oxy hóa và chất xơ, tốt cho sức khỏe dạ dày và tiêu hóa. Một số ví dụ có thể đưa vào chế độ ăn uống là rau bina, cây hồ lô ba, cần tây, rau cải xanh, rau mồng tơi…
Ngũ cốc nguyên hạt: Chẳng hạn như gạo lứt, yến mạch, ngũ cốc cám, bột ngũ cốc nguyên hạt hoặc bánh mì ngũ cốc là thực phẩm tốt cho bệnh trĩ. Những thực phẩm này có hàm lượng chất xơ cao giúp tạo khối phân và thúc đẩy nhu động ruột.
Ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng chất xơ cao tốt cho chế độ ăn của người bệnh trĩ.
Trái cây tươi: Đặc biệt là trái cây ăn cả vỏ là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào. Ăn trái cây tươi, chẳng hạn như táo, nho, chuối, cam, lê… cải thiện sức khỏe tiêu hóa và thúc đẩy nhu động ruột trơn tru.
Các loại đậu: Các loại đậu cũng chứa hàm lượng chất xơ cao và chứa nhiều chất béo tự nhiên, có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa.
Sữa chua: Sữa chua chứa lượng lớn các lợi khuẩn, đặc biệt tốt cho hệ tiêu hóa. Một hũ sữa chua mỗi ngày sẽ giúp đường ruột thêm khỏe mạnh, giúp ngăn ngừa và cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả.
Uống nhiều nước: Những thay đổi chế độ ăn uống nêu trên có thể không hiệu quả nếu không uống đủ nước. Nước là nguồn quan trọng để nghiền thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng, làm mềm ruột, ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ. Nên duy trì thói quen uống đủ nước mỗi ngày để giúp quá trình thanh lọc, tiêu hóa diễn ra thuận lợi, hỗ trợ hoạt động của nhu động ruột cũng như làm mềm phân, giảm tình trạng táo bón. Uống khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
Giá đỗ là thực phẩm người bệnh trĩ nên đưa vào chế độ ăn.
Giá đỗ: Giá đỗ giàu chất xơ, vitamin C, protein và canxi. Sự hiện diện của các chất dinh dưỡng này làm cho giá đỗ trở thành thực phẩm hiệu quả để điều trị bệnh trĩ. Ăn một cốc giá đỗ hấp hoặc luộc mỗi ngày giúp kiểm soát tình trạng kích ứng ruột. Tuy nhiên, không nên ăn giá đỗ sống, vì làm như vậy có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ.
3. Thực phẩm cần tránh
Cố gắng tránh các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trĩ hiện có. Thực phẩm chứa ít hoặc không có chất xơ có thể làm cho tình trạng táo bón và do đó, bệnh trĩ có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn.
Thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm giàu carbohydrate hoặc chất béo: Loại thực phẩm này thường có nhiều chất béo và ít chất xơ, góp phần gây táo bón. Hạn chế (hoặc tránh) thực phẩm chế biến, chẳng hạn như: Bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh rán, xúc xích, bánh mì kẹp thịt nguội, khoai tây chiên.
Thịt: Hạn chế thịt đỏ, thay vào đó, tăng cường ăn thịt trắng như gà, cá. Chế biến thịt một cách lành mạnh như luộc, hấp, nướng thay vì chiên, xào. Kết hợp thịt với nhiều rau xanh để cung cấp chất xơ giúp nhuận tràng, giảm táo bón.
Thực phẩm chứa caffein như cà phê, trà; Rượu bia; Thức ăn cay; Sữa, phô mai, kem và một số sản phẩm từ sữa khác.
3. Lưu ý khác cho người bệnh trĩ
Mỗi người có một thể trạng khác nhau, chế độ ăn phù hợp cần được điều chỉnh tùy theo tình trạng bệnh và ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nhưng có một số mẹo chung người bệnh trĩ nên biết:
Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Tránh ăn quá no một bữa, chia nhỏ bữa ăn để giảm áp lực lên hệ tiêu hóa.
Nấu chín kỹ thức ăn: Giúp thức ăn dễ tiêu hóa hơn.
Tập thể dục đều đặn: Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm táo bón.
Hoàng Nam