Thi công Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh khu vực nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: P.Tùng
Thuận lợi của dự án hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, toàn bộ mặt bằng dự án đã được bàn giao cho các đơn vị thi công.
Nỗ lực bù tiến độ
Dự án Đường vành đai 3 có chiều dài 76km, đi qua 4 tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án được khởi công vào tháng 6-2023 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành cơ bản vào cuối năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ trong năm 2026.
Đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài hơn 11km. Thời gian đầu sau khi khởi công, dự án thành phần qua địa bàn tỉnh luôn trong tình trạng chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng thực hiện chậm.
Tại thời điểm tháng 9-2024, tức hơn một năm sau ngày khởi công, sản lượng thi công dự án đoạn qua địa bàn tỉnh mới đạt khoảng 6%. Trong khi đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương, sản lượng thi công đạt 13%; đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh thi công đạt 16% và đoạn qua tỉnh Long An thi công đạt đến 45%.
Mới đây, tại buổi kiểm tra tiến độ thi công Dự án Đường vành đai 3, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, dự án phải thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2025. Do đó, với điều kiện mặt bằng thuận lợi, các nhà thầu phải tăng tốc, thi công “3 ca, 4 kíp”, “làm ngày, làm đêm”, làm cả ngày nghỉ, ngày lễ để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.
Trước nguy cơ chậm tiến độ, UBND tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phải đôn đốc các nhà thầu tăng tốc thi công để bù tiến độ. Từ đầu năm 2025 đến nay, với điều kiện thuận lợi khi mặt bằng dự án cơ bản được bàn giao đủ, tiến độ thi công dự án đã được cải thiện đáng kể.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân cho biết, Dự án Đường vành đai 3 đoạn qua địa bàn tỉnh có 3 gói thầu xây lắp chính. Hiện nay, giá trị thi công các gói thầu đạt hơn 582 tỷ đồng, đạt hơn 29% so với giá trị hợp đồng đã ký. Tiến độ chung toàn dự án hiện chỉ còn chậm khoảng 4,5% so với kế hoạch. Với điều kiện mặt bằng hiện nay, việc tăng tốc, kéo tiến độ trong thời gian tới là thuận lợi.
Gỡ vướng nguồn vật liệu để tăng tốc tiến độ
Trong khi vướng mắc về mặt bằng đã cơ bản được giải quyết thì việc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Đường vành đai 3 lại đang gặp trở ngại về nguồn vật liệu.
Dự án cần khoảng 456 ngàn m3 đất đắp; hơn 470 ngàn m3 đá xây dựng và khoảng 498 ngàn m3 cát đắp. Tuy nhiên, hiện nguồn đất đắp được đưa về công trường mới chỉ đạt khoảng 174 ngàn m3, đạt khoảng 38% nhu cầu; nguồn đá xây dựng đưa về công trường mới đạt khoảng 47 ngàn m3, đạt hơn 10% nhu cầu và nguồn cát đắp đưa về công trường mới có 48 ngàn m3, đạt khoảng 9,6% so với nhu cầu.
Đại diện Công ty CP Xây dựng Tân Nam, nhà thầu thi công gói thầu số 26 của dự án, cho hay với nguồn đá xây dựng, dù đã được tỉnh phân khai mỏ nhưng việc mua đá của nhà thầu vẫn gặp nhiều khó khăn. Công ty phải chờ đợi rất lâu mới đưa được đá về công trình, sản lượng cũng chưa đáp ứng nhu cầu.
Mới đây, trong chuyến kiểm tra tiến độ thi công dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, hiện tỉnh đã thực hiện phân khai các mỏ đá, đất cho các dự án trên địa bàn tỉnh. Do đó, các nhà thầu phải phối hợp, làm việc với các chủ mỏ để có đủ nguồn vật liệu. Trong đó, các nhà thầu phải chủ động đàm phán giá mua. Tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp, làm việc để hỗ trợ các nhà thầu về nguồn vật liệu thi công.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án 85, Tập đoàn Xây dựng miền Trung để xác nhận khối lượng đắt đắp dôi dư mỏ Phước Bình (huyện Long Thành). Hiện nay, Ban Quản lý dự án 85 đang phối hợp với các nhà thầu rà soát nhu cầu khối lượng đất đắp còn lại của Dự án Thành phần 2 để có văn bản trả lời. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận điều phối đất đắp nền đường từ khu vực khai thác vật liệu san lấp thuộc xã Phước Bình cho Công ty CP Xây dựng Tân Nam với khối lượng 100 ngàn m3 và Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát với khối lượng 90 ngàn m3.
Đối với nguồn cát đắp, hiện nhà thầu sử dụng nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia để triển khai thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cũng kiến nghị các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre đã cam kết cung cấp cho Dự án Đường vành đai 3 tăng công suất khai thác mỏ lên tối đa 50% để đáp ứng nhu cầu.
Phạm Tùng