Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Hãng Kyodo dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Trung Quốc ngày 10/2 đã chính thức áp thuế bổ sung lên tới 15% đối với một số hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.
Động thái này là một phần của các biện pháp nhằm đáp trả việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế bổ sung 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vốn có hiệu lực từ ngày 4/2.
Các mặt hàng của Mỹ chịu mức thuế bổ sung nói trên bao gồm than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), máy móc nông nghiệp và ôtô phân khối lớn.
Trước đó, ngày 4/2, Tân Hoa xã dẫn thông báo của Ủy ban Thuế quan Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết nước này sẽ áp đặt mức thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhất định của Mỹ từ ngày 10/2.
Cụ thể, cơ quan thuế này cùng Bộ Tài chính Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thêm mức thuế 15% đối với than và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời áp thêm 10% thuế đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số dòng xe ôtô.
Những mức thuế này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 10/2.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các mức thuế mới của Mỹ, đồng thời khởi động một cuộc điều tra chống độc quyền đối với Google - tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ, mặc dù dịch vụ của công ty này bị cấm tại Trung Quốc đại lục.
Giới quan sát cho rằng diễn biến mới nhất trên có nguy cơ làm kích hoạt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn đã căng thẳng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã nổ ra vào năm 2018 khi ông Trump tuyên bố đánh thuế 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ để ngăn chặn tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại song phương.
Các hành động đáp trả lẫn nhau của hai bên đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây tổn thất lớn cho nền kinh tế thế giới.
Trung Quốc: Trung tâm xuất khẩu Nghĩa Ô thờ ơ với chính sách thuế quan của Mỹ
Trong khi đó, các thương nhân tại trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu Nghĩa Ô của Trung Quốc tỏ ra không mấy bận tâm trước chính sách thuế quan và các động thái áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc mới đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Một số người cho biết họ đã có sự chuẩn bị để giảm thiểu tác động.
Thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, là trung tâm bán buôn lớn nhất thế giới về các mặt hàng sản xuất nhỏ, và cũng là nơi xuất khẩu nhiều mặt hàng đi khắp nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump đã đe dọa áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã sửa đổi mức thuế này xuống 10% sau khi nhậm chức. Ông cũng có kế hoạch hủy chế độ miễn thuế đối với các gói hàng giá trị thấp từ Trung Quốc.
Các động thái của ông Trump đã làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện sẽ leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi Trung Quốc chuẩn bị áp đặt mức thuế trả đũa lên tới 15% đối với một số hàng hóa của Mỹ.
Cảng hàng hóa tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). (Ảnh: THX/TTXVN)
Ông Cheng Haodong, Chủ tịch công ty Beisi Group, cho biết họ đã dự đoán được việc ông Trump lên nắm quyền, vì thế công ty đã có các bước chuẩn bị từ trước, trong đó có việc thành lập một nhà máy mới sản xuất nước giặt tại bang Tennessee, Mỹ vào tháng Tư năm ngoái.
Ông Cheng cho rằng lần này tác động sẽ không quá lớn đối với công ty ông. Beisi bán nhiều mặt hàng từ quần áo đến nước đóng chai.
Công ty này xuất khẩu sang các doanh nghiệp khác ở nước ngoài, nhưng cũng bán một số sản phẩm trực tiếp cho người tiêu dùng Mỹ thông qua các nền tảng trực tuyến như Temu và Shein.
Các chuyên gia phân tích dự đoán các trang web mua sắm giá rẻ này sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi ông Trump bãi bỏ quy tắc 'de minimis' - một kẽ hở thương mại cho phép hàng nhập khẩu giá trị thấp vào Mỹ không phải chịu thuế.
Các thương nhân và người mua tại khu chợ rộng lớn ở Nghĩa Ô cũng có tâm lý tương tự. Ông Zeng Hao, chủ sở hữu của Jinqi Wanju, công ty bán các loại đồ chơi như mô hình khủng long, cho biết ngay cả khi thuế tăng lên 50% cũng sẽ không ảnh hưởng đến họ.
Lý do là vì các sản phẩm này có lợi nhuận cao và công ty của ông có thể chịu được một phần gánh nặng thuế quan. Ông nói thêm rằng các công ty trong chuỗi cung ứng cũng có lý do của riêng họ để tăng giá.
Cô Abby Jin, một đại diện mua hàng tại Nghĩa Ô cho nhiều khách hàng ở các thị trường như Mỹ, Australia và Trung Đông, cho biết các nhà cung cấp trong thành phố không thiếu đơn đặt hàng. Cô cho rằng họ có thể ứng phó bằng cách giảm nhẹ tỷ suất lợi nhuận hoặc điều chỉnh chi phí.
Cuối cùng, các chi phí phát sinh thêm sẽ được chuyển cho người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải gánh chịu hậu quả cuối cùng của các chính sách kinh tế của chính nước mình./.
(TTXVN/Vietnam+)