Ngoài các loại xe từ Indonesia và Thái Lan đã được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% từ năm 2018, hầu hết ô tô từ các xuất xứ khác như châu Âu, Nhật Bản và Mỹ vẫn đang trong quá trình giảm thuế nhập khẩu.
Trong đó, xe nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang giữ tỷ trọng khá cao ở thị trường ô tô Việt Nam. Năm 2024, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ các thị trường này được thu phổ biến ở mức 35-42%, riêng xe từ Trung Quốc giữ ổn định mức thuế suất 50% đến hết năm 2027.
Thuế đã giảm, nhưng…
Hiện tại, theo lộ trình cắt giảm thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc đã bắt đầu giảm thêm khoảng 7% kể từ ngày 1/1/2025.
Đầu tiên phải kể đến là các loại ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản và Mỹ. Đây là nhóm xe có tỷ trọng đáng kể tại thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam, sau các loại xe từ Đông Nam Á và Trung Quốc. Các xuất xứ này cũng đều có những thương hiệu được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng như Ford, Toyota, Lexus, Honda, Nissan, Subaru, Mitsubishi…
Toàn bộ xe Lexus chính hãng đều được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản và đã được giảm thuế từ đầu năm 2025 - Ảnh: TMV
Theo biểu thuế được ban hành để thực hiện Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kể từ ngày 1/1/2025, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước tham gia hiệp định, trong đó bao gồm Mỹ và Nhật Bản, đã giảm từ 42% xuống còn 35%.
Nhóm ô tô nhập khẩu thứ 2 chiếm tỷ trọng đáng kể ở thị trường Việt Nam là xe từ các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó bao gồm Đức, Pháp, Italy, Cộng hòa Séc.
Theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) giai đoạn 2022 – 2027, thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc (CBU) từ châu Âu sẽ giảm bình quân khoảng 7% mỗi năm, bắt đầu từ năm 2022 cho đến khi về 0%, dự kiến vào năm 2030.
Năm 2024, thuế nhập khẩu đối với đa số các loại ô tô chở người từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) được áp dụng phổ biến ở các mức 42,5%, 40,3% và 39% tùy chủng loại và dung tích xi-lanh động cơ.
Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các mức thuế suất này sẽ giảm thêm từ 6,7% đến cao nhất 7,8% so với hiện hành.
Cụ thể, các loại xe đang chịu mức thuế suất thuế nhập khẩu 42,5% sẽ giảm 7,1% xuống còn 35,4% từ ngày 1/1/2025; các loại xe đang chịu mức thuế suất 40,3% sẽ giảm 6,7% xuống còn 33,6%; các loại xe đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu 39% sẽ giảm 7,8% xuống còn 31,2%.
Đối với xe nhập khẩu từ Vương quốc Anh, các quy định về thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tùy chủng loại cũng áp dụng tương tự như xe từ các nước thuộc EU. Các mức thuế suất được thực hiện theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định UKVFTA giai đoạn 2022-2027.
Đối với ô tô CBU nhập khẩu từ Liên bang Nga, kể từ ngày 1/1/2025, các mức thuế suất sẽ chính thức giảm về 0% theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu và các quốc gia thành viên (VN-EAEU FTA). Các mức thuế suất thuế nhập khẩu ô tô CBU từ Nga trong năm 2024 phổ biến từ 1,4% đến 6,7%.
…vì sao giá xe không giảm?
Như vậy, ngoại trừ ô tô nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc đang giữ ổn định thì hầu hết ô tô mang các xuất xứ khác đều đã được giảm thuế kể từ đầu năm nay. Tuy nhiên, diễn biến giá trên thị trường ô tô nhập khẩu chưa cho thấy bất kỳ điều chỉnh nào theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá bán lẻ của các loại ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ và khu vực châu Âu vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước ngày 1/1/2025, tức trước khi được giảm thuế.
Thậm chí mới đây, một số mẫu xe nhập khẩu đã tăng giá bán lẻ so với trước khi được giảm thuế. Đơn cử, mẫu xe Toyota Alphard nhập khẩu từ Nhật Bản đã tăng giá bán lẻ thêm từ 140-160 triệu đồng lên mức các mức 4,615-4,635 tỷ đồng cho các bản máy xăng và hybrid.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao giá bán lẻ của các mẫu xe nhập khẩu từ Nhật Bản không giảm dù thuế đã giảm, đại diện Toyota Việt Nam, cho biết hãng chưa thể điều chỉnh giá bán theo thuế. Bởi trên thực tế, ngoài thuế nhập khẩu thì giá xe còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố quan trọng như tỷ giá, chi phí kho vận và các hoạt động kinh doanh khác của doanh nghiệp, bao gồm cả tính toán về tỷ suất lợi nhuận.
Ngoài một số mẫu xe phổ thông thương hiệu Toyota, liên doanh này còn là nhập khẩu và phân phối chính hãng các loại xe mang thương hiệu hạng sang Lexus. Trong đó, toàn bộ các mẫu xe Lexus đều nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản.
Với câu hỏi tương tự, đại diện nhà nhập khẩu và phân phối chính hãng Subaru cho biết, hãng mới chính thức chuyển sang nhập khẩu toàn bộ danh mục sản phẩm từ Nhật Bản kể từ năm 2025. Trước đó, hầu hết các mẫu xe đều nhập khẩu từ Thái Lan. Vì vậy, việc các mẫu xe giữ nguyên mức giá bán lẻ trên thực tế cũng là nỗ lực của nhà phân phối.
“Riêng với mẫu xe Subaru Crosstrek ra mắt cuối năm 2024, do là xe hoàn toàn mới nên mức giá bán lẻ đã được chúng tôi xây dựng dựa trên mức thuế suất 35% áp dụng trong năm 2025 theo hiệp định CPTPP”, vị đại diện nhà nhập khẩu và phân phối Subaru chia sẻ.
Thương hiệu xe siêu sang Bentley nhập khẩu từ Vương quốc Anh - Ảnh: Bentley
Ngoài các loại xe nhập khẩu từ Nhật Bản, nhóm ô tô nhập khẩu từ châu Âu cũng đang “bất động” về giá bán lẻ niêm yết. Đa số xe nhập khẩu châu Âu đều mang các thương hiệu hạng sang hoặc siêu xe như Audi, Mercedes-Benz, BMW, Ferrari, Lamborghini, Rolls-Roycer, Land Rover, Jaguar và Maserati…
Giám đốc kinh doanh của một hãng xe hạng sang châu Âu cho biết, về nguyên tắc thì khi thuế giảm, tức một yếu tố quan trọng trong cơ cấu giá giảm, thì giá bán lẻ ô tô cũng sẽ phải giảm. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhất là khi nhóm xe lắp ráp trong nước gần đây đã được hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ, nên hầu hết các hãng xe nhập khẩu đều phải tung ra những chương trình khuyến mại và giảm giá.
Để cạnh tranh và duy trì hoạt động kinh doanh, đa số ô tô nhập khẩu đều đã được các nhà phân phối giảm giá suốt từ đầu năm ngoái thông qua các hình thức khuyến mại. Do đó, việc điều chỉnh giá bán lẻ ở thời điểm này xem ra là bất khả thi.
An Nhi