Tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa Kỳ & Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/4 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã đưa ra một số thực trạng mà nền kinh tế thế giới đang gặp phải. Trong đó, dự báo kinh tế thế giới năm 2025 - 2026 tăng trưởng thấp hơn năm 2024, với con số tăng trưởng khiêm tốn ở mức 1,8% - 2%, thấp hơn nhiều mức 3% trong giai đoạn 2011 - 2019. Trong bối cảnh đó, sức ép từ thuế quan sẽ càng khiến cuộc cạnh tranh quốc tế trở nên gay gắt hơn.
Thuế đối ứng – cú sốc chấm dứt “thời kỳ thương mại dễ dàng”
TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia – dẫn dự báo từ BIDV Research cho biết, kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia năm 2025 đang nằm trong mức cơ sở với xác suất xảy ra là 60%, tức là giả định Việt Nam đàm phán với Mỹ giảm mức thuế đối ứng xuống khoảng 20 - 25% (so với mức 46% ban đầu), hiệu lực từ 9/7/2025 trong vòng 1 năm hoặc sớm hơn, sau đó tiếp tục đàm phán giảm mức thuế thấp hơn thì tăng trưởng GDP sẽ nằm trong mức 6,5 - 7%, khối lượng xuất khẩu giảm 6 - 7,5 tỷ USD (tương đương với mức 1,2 - 1,5%) và vốn FDI thực hiện giảm trong mức 3 - 5%.
Dù vậy, các chuyên gia đều chung nhận định: chính trong bối cảnh thách thức này, Việt Nam buộc phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi chuỗi cung ứng theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một vài đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt về môi trường, lao động và quản trị, nhằm tăng khả năng chống chịu trước các biến động từ bên ngoài.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI, nhận định, việc Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp thuế đối ứng là dấu hiệu rõ ràng cho thấy "kỷ nguyên toàn cầu hóa dựa trên luật lệ và thương mại tự do" đang đi đến hồi kết, đúng như phát biểu của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong trước Quốc hội vào ngày 8/4/2025. Những biện pháp thuế này được áp dụng một cách bất định, có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, khiến môi trường kinh doanh quốc tế ngày càng trở nên khó đoán định.
Điều đáng lo ngại hơn, theo ông Tuấn, đây là loại thuế bổ sung, được áp đặt bên cạnh các loại thuế, phí và nghĩa vụ hiện hành, tạo ra áp lực đặc biệt nặng nề đối với các nền kinh tế bị áp dụng. Đáng chú ý, loại thuế này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào, thể hiện mức độ bất định rất lớn và gây ra sự thất vọng sâu sắc ngay cả đối với các chuyên gia kinh tế, bao gồm cả những chuyên gia tại Hoa Kỳ.
Ứng phó ra sao để biến nguy thành cơ?
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc Tổng Bí thư Tô Lâm nhanh chóng có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump thể hiện tính chủ động rất cao trong đối ngoại, giúp Việt Nam giành thêm thời gian đàm phán và điều chỉnh chiến lược. Bà Lan đánh giá, trong bối cảnh này, Việt Nam cần hành động theo ba hướng:
Việt Nam trước thách thức tăng trưởng trong bối cảnh áp lực thuế quan.
Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế xuống càng thấp càng tốt, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thêm các FTA mới để tránh bị rơi vào tình thế phụ thuộc.
Thứ hai, yêu cầu doanh nghiệp phải nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kinh doanh. Đây là yếu tố then chốt để Việt Nam bảo vệ lợi ích chính đáng của mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế, đồng thời tăng uy tín quốc gia. Bà Lan lấy ví dụ về Tập đoàn Minh Phú, nhờ hệ thống giải trình chặt chẽ mà doanh nghiệp này đã thành công vượt qua cuộc điều tra chống bán phá giá tôm tại Mỹ, bảo vệ được thị trường.
Thứ ba, chủ động nâng cấp chất lượng sản phẩm, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và nguồn gốc xuất xứ, từ đó không chỉ đối phó với thuế quan hiện tại mà còn đón đầu các xu thế thương mại bền vững trong tương lai.
Các chuyên gia cũng lưu ý, việc Mỹ áp thuế cao phần nào phản ánh thực tế Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Mỹ. Đây là một lỗ hổng chiến lược mà Việt Nam cần sớm khắc phục nếu muốn bảo vệ thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình, nơi đóng góp tới 30% GDP quốc gia năm 2024.
Nếu tận dụng tốt khoảng thời gian đàm phán 90 ngày, Việt Nam không chỉ giảm được thiệt hại ngắn hạn mà còn có thể đặt nền móng vững chắc cho chiến lược thương mại dài hạn: tăng khả năng tự chủ, mở rộng mạng lưới FTA, nâng cấp tiêu chuẩn sản phẩm và xây dựng hình ảnh một quốc gia xuất khẩu bền vững, minh bạch và đáng tin cậy.
Cuối cùng, như ông Craig Martin, Chủ tịch Dynam Capital nhận định: “Cuộc chiến thuế quan là phép thử khắc nghiệt, nhưng cũng là cơ hội vàng. Ai biết thích ứng nhanh và tái cấu trúc đúng hướng sẽ trở thành người chiến thắng.”
Vũ Hương