Ôtô mới chờ xuất khẩu tại cảng Yokohama (Nhật Bản). (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, các đề xuất về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây ra mối lo ngại lớn cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, vốn vừa là trụ cột kinh tế, vừa là niềm tự hào quốc gia của cả hai nước.
Cổ phiếu của các công ty như Toyota, Honda của Nhật Bản và Hyundai Motor, Kia Corp của Hàn Quốc đã sụt giảm, làm "bốc hơi" khoảng 16,5 tỷ USD giá trị vốn hóa, sau khi ông Trump ngày 26/3 nhắc lại khả năng áp đặt mức thuế quan lên tới 25% đối với ôtô và xe tải nhẹ nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực ngày 3/4.
Vai trò của ngành ôtô
Trên đường phố Tokyo, Seoul và tại "thành phố ôtô" Gwangju (Hàn Quốc), người dân lo ngại rằng các loại thuế này sẽ gây tác động sâu rộng. Điều này cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của ngành ôtô trong sự trỗi dậy kinh tế thời hậu chiến của hai đồng minh Mỹ này.
Ngành sản xuất ôtô đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước Đức, Italy, Pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, tầm ảnh hưởng của ngành ôtô ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, còn sâu sắc hơn so với ở châu Âu do ở Nhật Bản và Hàn Quốc, các nhà sản xuất ôtô không chỉ đơn thuần là các công ty sản xuất xe.
Họ đóng vai trò là trung tâm của những mạng lưới công ty liên kết khổng lồ, như các keiretsu ở Nhật hay chaebol ở Hàn Quốc, bao gồm nhà cung cấp, công ty tài chính, công ty thương mại...
Những mạng lưới này chi phối và tác động đến gần như mọi mặt của đời sống lao động và kinh tế tại hai nước đó từ việc làm, mức lương, chuỗi cung ứng, đến cả văn hóa doanh nghiệp và định hướng phát triển công nghệ.
Tại Nhật Bản, nơi ngành ôtô chiếm khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), chính các nhà sản xuất ôtô, đặc biệt là Toyota, đã tạo tiền lệ cho việc tăng lương trên toàn quốc thông qua các cuộc đàm phán hàng năm giữa công đoàn và ban quản lý.
Theo công ty nghiên cứu Teikoku Databank, tính đến tháng 5/2024, chuỗi cung ứng ôtô tại Nhật Bản bao gồm khoảng 60.000 công ty. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (JAMA), ngành này chịu trách nhiệm tạo việc làm cho hơn 5 triệu người, tương đương 8% tổng lực lượng lao động cả nước.
Tại Hàn Quốc, ngành ôtô là nhà tuyển dụng lớn nhất, và ôtô cùng phụ tùng chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khoảng 50% trong số đó được xuất sang thị trường Mỹ.
Ông Hiroshi Kojima, một doanh nhân 56 tuổi làm việc tại một công ty vật liệu, chia sẻ với Reuters tại trung tâm Tokyo rằng ngành ôtô là điều đầu tiên hầu hết mọi người nghĩ đến khi nhắc đến sản xuất chế tạo. Ông lo ngại thuế quan có thể gây tác động lớn đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất của các nhà sản xuất Nhật Bản.
Bất ổn tại “thành phố ôtô”
Tại Gwangju, Hàn Quốc, nơi có các nhà máy xuất khẩu các mẫu xe crossover Kia Sportage, Soul và Seltos sang Mỹ, một công nhân đề nghị giấu tên tại một nhà cung cấp của Kia đã bày tỏ sự lo ngại về sản lượng và việc làm. Người này nói với hãng tin Reuters rằng nhà máy nơi anh làm việc dự định duy trì nhân sự làm việc vào các ngày thứ Bảy trong tháng 4/2025, nhưng nhu cầu dường như không chắc chắn.
Anh này cho biết ban lãnh đạo công ty trước đây đã nói với công đoàn rằng sản lượng dự kiến cho năm 2025 sẽ ngang bằng với năm ngoái. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, ban lãnh đạo vẫn chưa cập nhật hay đưa ra các mục tiêu sản xuất mới, điều này gây bất an về kế hoạch tương lai.
Trong khi đó, nhà sản xuất ôtô Mỹ General Motors có các nhà máy tại Hàn Quốc, xuất khẩu hơn 80% lượng xe sản xuất, bao gồm các mẫu crossover Chevrolet Trax và Trailblazer sang Mỹ. Các nhà máy này có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các nhà máy của các đối thủ Hàn Quốc, vốn sản xuất nhiều xe hơn cho thị trường nội địa.
Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã gặp gỡ các giám đốc điều hành từ các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp hôm 27/3 và bày tỏ lo ngại về tác động của thuế quan, đặc biệt đối với các nhà sản xuất phụ tùng. Ông cam kết sẽ có các biện pháp trong tháng 4/2025 để giảm thiểu tác động, bao gồm thúc đẩy đầu tư và nhu cầu trong nước.
Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết nước này sẽ "để ngỏ mọi phương án" và lưu ý rằng Nhật Bản là nguồn đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Mỹ, một điểm mà chính phủ Nhật Bản liên tục nhấn mạnh với Mỹ.Năm 2023, Nhật Bản đã xuất khẩu 4,4 triệu xe, bao gồm cả xe tải và xe buýt, với 1/3 trong số đó xuất sang thị trường Mỹ.
Thuế quan cũng ảnh hưởng đến một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của hầu hết các nhà sản xuất ôtô toàn cầu, trong đó Mexico, nơi họ đã xây dựng các cơ sở sản xuất chi phí thấp hơn trong nhiều năm.
Theo Hiệp hội Công nghiệp Ôtô Mexico, nước này là nhà xuất khẩu xe hàng đầu sang Mỹ, chiếm 2,5 triệu xe hạng nhẹ vào năm 2023. Nissan chiếm 10% thị phần này, lớn nhất trong số các nhà sản xuất ôtô châu Á nhưng vẫn thấp hơn General Motors, Stellantis và Ford.
Nỗi lo về việc làm
Đối với bà Etsuko Fukada, một nhân viên phục vụ 57 tuổi, việc Mỹ áp thuế quan đã làm nổi bật những khía cạnh phức tạp và khó khăn trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Bà cho rằng Chính phủ Nhật Bản sẽ khó có thể lên tiếng phản đối mạnh mẽ chính sách thuế quan này vì Nhật Bản phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ về mặt quốc phòng và an ninh quân sự.
Trong bối cảnh Nhật Bản mất dần vị thế ở một số ngành công nghiệp chủ lực trước đây, ngành ôtô không chỉ trở thành trụ cột kinh tế quan trọng hơn, mà còn duy trì được sức hút mãnh liệt như một nhà tuyển dụng hàng đầu, thu hút nhân tài và tạo ra sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động chất lượng cao.
Mayu Morikawa, một sinh viên cao học 24 tuổi đang tìm việc, cho biết thuế quan khiến cô lo sợ cho triển vọng của bản thân và của một người bạn vừa bắt đầu làm việc tại một nhà sản xuất ôtô.
Tại Hàn Quốc, ông Hyun Sang-jin nói rằng các mức thuế quan này có thể đe dọa đến chất lượng cuộc sống của rất nhiều người dân.
Ông đưa ra lý do là vì vai trò cực kỳ quan trọng, then chốt của các tập đoàn ôtô như Hyundai đối với sự thịnh vượng chung và lo sợ rằng việc đánh thuế này sẽ gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng, cụ thể nhất là tình trạng mất việc làm hàng loạt, từ đó làm suy giảm chất lượng sống của nhiều người./.
(TTXVN/Vietnam+)