Mức thuế quan cao trong thời gian dài đẩy giá cả tăng mạnh và cản trở tăng trưởng của cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu. (Nguồn: The Verge)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cảnh báo, nếu các cuộc đàm phán không đạt tiến triển rõ rệt, toàn bộ mức thuế tạm hoãn sẽ được khôi phục từ đầu tháng 8/2025, không có thêm bất kỳ gia hạn nào.
Ông cho biết, Mỹ sẽ gửi thư tới khoảng 100 đối tác thương mại nhỏ chưa đạt thỏa thuận, thông báo họ sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn so với khung thuế công bố ngày 2/4.
“Tổng thống Trump sẽ gửi thư tới một số đối tác thương mại và nói rằng nếu họ không có hành động, thì từ ngày 1/8, mức thuế quan ngày 2/4 sẽ trở lại. Vì vậy, tôi cho rằng, sẽ có rất nhiều thỏa thuận được xúc tiến nhanh chóng”, Bộ trưởng Bessent nói.
"Con bài mặc cả"
Hiện tại, vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn về việc quốc gia nào sẽ bị ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng như thế nào về thuế quan từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich nhận định: "Ngày càng khó để đoán được điều gì có thể xảy ra khi có những thông tin trái ngược nhau từ Nhà Trắng".
Thời gian đàm phán chỉ còn chưa đầy một tháng, các chuyên gia dự báo, đối tác thương mại của Mỹ sẽ phải đẩy nhanh tiến trình thương lượng nếu muốn tránh bị áp thuế lại. Động thái này có thể khiến một số nước nhượng bộ nhiều hơn để đổi lấy ổn định thương mại.
Cho đến nay, mới có ba quốc gia đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, đó là: Trung Quốc, Anh và Việt Nam.
Nhiều đối tác thương mại quan trọng khác của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xác nhận các cuộc đàm phán đang được tiến hành, bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump chỉ ra rằng, các cuộc đàm phán chủ yếu tập trung vào hơn 10 quốc gia chiếm phần lớn thâm hụt thương mại với Washington.
Ông Andrew K McAllister, thành viên của Holland & Knight dự báo, thuế quan của Mỹ sẽ được duy trì với các quốc gia nói trên. "Tôi coi thuế quan là 'con bài mặc cả' của Mỹ".
Xuất hiện những lo lắng tiềm ẩn
Các nhà kinh tế đều đồng ý rằng, mức thuế quan cao trong thời gian dài sẽ đẩy giá cả tăng mạnh và cản trở sự tăng trưởng của cả nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Tháng 6/2025, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng kinh tế toàn cầu, lần lượt cắt giảm dự báo từ 2,8% xuống 2,3% và từ 3,3% xuống 2,9%.
Việc dự đoán tác động cuộc chiến thương mại của ông chủ Nhà Trắng trở nên khó khăn hơn do chính quyền của ông liên tục thay đổi quan điểm và đưa ra tín hiệu mâu thuẫn về thuế quan.
Mức thuế quan cao nhất mà Tổng thống Donald Trump đưa ra đã bị tạm dừng. Mức thuế cơ bản 10% được áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ở mức hai chữ số.
Cho đến nay, tác động từ mức thuế quan vẫn còn khiêm tốn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới không cho thấy dấu hiệu bất ổn. Đơn cử như: Lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức khiêm tốn là 2,3% vào tháng 5/2025, gần với mục tiêu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Thị trường chứng khoán của nước này - sau khi chịu tổn thất lớn vào đầu năm nay - đã phục hồi và đạt mức cao nhất mọi thời đại. Và nền kinh tế cũng đã tạo thêm 147.000 việc làm, mạnh hơn dự kiến vào tháng 6/2025.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo lắng tiềm ẩn.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng đã giảm 0,1 phần trăm vào tháng 5/2025, đây là mức giảm đầu tiên kể từ tháng 1/2025.
Ngân hàng ING của Hà Lan đánh giá: "Chưa thể khẳng định, liệu thế giới có phải đối mặt mức thuế quan tồi tệ nhất hay không. Tuy nhiên, việc Mỹ trì hoãn mức thuế quan với Trung Quốc có lẽ là để ngăn chặn mối đe dọa suy thoái nghiêm trọng hơn".
Đây cũng là lý do nhiều chuyên gia nhận định, trước sức ép từ phản ứng quốc tế, biến động thị trường tài chính và các dấu hiệu tiêu cực của kinh tế, Tổng thống Trump có thể sẽ cân nhắc thận trọng hơn, thậm chí phải "xuống thang" với kế hoạch áp thuế cao đối với các nước chưa đạt thỏa thuận thương mại.
(theo Al Jazeera)
Linh Chi