Thuế thuốc lá quá thấp làm tăng cao gánh nặng bệnh tật

Thuế thuốc lá quá thấp làm tăng cao gánh nặng bệnh tật
4 giờ trướcBài gốc
Mặc dù, Việt Nam đạt được khá nhiều kết quả tích cực trong cuộc chiến phòng chống tác hại của thuốc lá nhưng vẫn là quốc gia có số người hút rất cao trên thế giới, với khoảng 15 triệu người. Đáng lo ngại, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy từ năm 2021 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 17%, đồng nghĩa với việc số người hút thuốc lá ở nước ta đang gia tăng trở lại.
Thuốc lá được bán tràn lan khắp nơi với giá rất rẻ
Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, trong thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học và có khoảng 69 chất gây ung thư nên việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng rất lớn về bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế. Nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu mới nhất cho thấy, mỗi năm, Việt Nam có hơn 100.000 người tử vong do liên quan thuốc lá, trong đó có 84.500 ca là những người hút thuốc và 18.800 ca hút thuốc lá thụ động. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 1,14% GDP.
Nguyên nhân hàng đầu khiến người dân đang phải gánh chịu thiệt hại lớn về sức khỏe, kinh tế từ thuốc lá do thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp nên giá bán quá rẻ khiến nhiều người, kể cả người nghèo cũng có thể dễ dàng mua và sử dụng. Hiện nay, thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ chiếm 36% giá bán lẻ, trong khi mức thuế trung bình toàn cầu là 62% và mức thuế theo khuyến nghị của WHO từ 70%- 75% giá bán lẻ. Thậm chí, thuế thuốc lá ở Việt Nam chỉ bằng một nửa của nhiều nước ASEAN, như: Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1%.
Mức thuế như trên đang ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% và và nữ giới xuống dưới 1%. Báo cáo toàn cầu của WHO chỉ rõ, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có giá thuốc lá thấp nhất thế giới và nếu duy trì mức thuế tiêu thụ đặc biệt như hiện nay thì Việt Nam không thể đạt mục tiêu quốc gia nêu trên. Thậm chí, với mức thu nhập đầu người đang tăng dần hàng năm, nếu như không tăng thuế thì giá bán thuốc lá ở Việt Nam đã rẻ, còn rẻ hơn nữa, khiến tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới có thể tăng lên hơn 43% vào năm 2030.
Số người hút thuốc, nhất là giới trẻ đang gia tăng
Trong chương trình của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến. Trước đó, trong quá trình soạn thảo các nội dung sửa đổi dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Y tế cùng một số bộ, ngành chức năng và nhiều chuyên gia đã đề nghị tăng thuế suất với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe nhân dân và thế hệ tương lai.
Theo khuyến nghị của WHO và Ngân hàng Thế giới, thuế thuốc lá cần đạt ít nhất 70% - 75% giá bán lẻ; đồng thời bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế có lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập.
Để đạt được tỷ trọng thuế thuốc lá theo khuyến cáo của WHO, Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối đến năm 2030 là 15.000 đồng/1 bao (20 điếu/1 bao), tương đương 65% giá bán lẻ. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc của nam giới nước ta xuống còn 35,8% vào năm 2030.
Hơn nữa sẽ làm tăng đáng kể nguồn thu thuế hàng năm và mang lại thêm 29.300 tỷ đồng cho ngân sách mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020, đồng thời sức khỏe người dân được bảo vệ tốt hơn, giảm đáng kể những chi phí về y tế do bệnh tật gây ra.
MINH KHANG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/thue-thuoc-la-qua-thap-lam-tang-cao-ganh-nang-benh-tat-post767223.html