Các sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: V.GIA
Chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, các cuộc chiến tranh, đụng độ quân sự, bất ổn trên thế giới vẫn tiếp tục diễn ra, đòi hỏi cần có các giải pháp cụ thể, linh hoạt nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2025 đạt 10% và cả nước là hơn 8% như mục tiêu đã đặt ra.
Nửa đầu năm tăng trưởng khá
Theo Cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam có nhiều yếu tố bất lợi tác động, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán. Các chính sách về thuế quan của Hoa Kỳ và phản ứng của các nước làm gián đoạn chuỗi cung ứng, nguy cơ chiến tranh thương mại đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là các yếu tố khác như: sự phục hồi kinh tế thế giới chậm, nhu cầu tiêu dùng trong nước chưa hồi phục được như trước thời kỳ dịch bệnh Covid-19...
Để ứng phó với chính sách thuế quan, Việt Nam cần chủ động gia cố chuỗi cung ứng, minh bạch hóa quy trình xuất xứ và tăng cường năng lực điều phối thương mại, nhằm bảo đảm rằng hàng hóa Việt Nam không bị quy kết là hàng trung chuyển và chịu thuế suất lên tới 40% khi vào thị trường Hoa Kỳ.
Mặc dù vậy, kết quả tăng trưởng khả quan 7,52% vẫn là con số rất cao nếu so sánh với tăng trưởng của cùng kỳ hầu hết những năm gần đây.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,84%, đóng góp 5,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,33%, đóng góp 42,20%; khu vực dịch vụ tăng 8,14%, đóng góp 52,21%. Theo Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, đây được coi là kết quả khả quan, giảm áp lực lên các quý tiếp theo và là nền tảng tích cực cho tăng trưởng cả năm.
Tại Đồng Nai, kinh tế tăng trưởng tốt, cao hơn kịch bản đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 8,23% (xếp hạng 13/34 tỉnh, thành). Có được điều này là nhờ giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực, khả quan. Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã xuất khẩu hàng hóa được gần 16 tỷ USD, chỉ tính riêng tỉnh Đồng Nai (cũ) đã xuất siêu gần 3,9 tỷ USD.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II-2025 cho thấy có 35,7% DN đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh tốt hơn so với quý I; dự kiến quý III, có 37,3% DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II. Các DN cũng phần nào lạc quan về khách hàng.
Theo ông Phạm Ngọc Duy, Giám đốc nhà máy của Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Huỳnh Đức (Khu công nghiệp Amata), các sản phẩm của công ty có doanh số tiêu thụ khá tốt, đặc biệt là với các đối tác nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nhật Bản.
Cuối năm tận dụng các cơ hội để tăng trưởng
Với kết quả trong nửa đầu năm tăng trưởng 7,52%, Cục Thống kê đặt ra kịch bản 6 tháng cuối năm tăng trưởng 8,42%, để kinh tế Việt Nam cả năm tăng 8%. Trong đó, quý I tăng 7,05%, quý II tăng 7,96%, quý III tăng 8,33%, quý IV tăng 8,51%.
Các sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Nai tham gia một chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: Văn Gia
Theo các chuyên gia, cơ hội để tăng trưởng cả năm còn dư địa. Chia sẻ trong một chương trình do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức đầu tháng 7-2025, tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, nhận định việc Tổng thống Donald Trump trên mạng xã hội nói về việc áp mức thuế 20% đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam và 40% đối với hàng trung chuyển từ nước thứ 3 qua Việt Nam (“transshipping”), dù chưa phải là quyết định chính sách chính thức từ Nhà Trắng hay Bộ Thương mại Hoa Kỳ nhưng được xem là tín hiệu có tính chỉ đạo cao và cần được đánh giá nghiêm túc như một khả năng chính sách thực tế. Mức thuế 20% thấp hơn nhiều so với mức 46% từng được đề xuất trước đó. Việc đưa con số này về một ngưỡng có thể kiểm soát được cho thấy nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam. Xét trong bối cảnh khu vực, đây không phải là mức thuế quá bất lợi.
Việt Nam vẫn còn dư địa chính sách trong nước để hỗ trợ DN xuất khẩu ứng phó với chi phí tăng thêm. Chính phủ có thể triển khai các biện pháp như giảm thuế, phí logistics, ưu đãi tín dụng xuất khẩu và hỗ trợ truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng cảng biển, đường bộ và số hóa thủ tục hải quan cũng là những giải pháp giúp tiết giảm chi phí vận hành, giữ vững năng lực cạnh tranh.
Về phía địa phương, ngày 30-6-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cũng đã ký ban hành Kế hoạch số 2331 - kế hoạch hành động của UBND tỉnh về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh Đồng Nai năm 2025 đạt 10%.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan liên quan phải chủ động xây dựng kịch bản chi tiết hàng quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm về phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025; thực hiện sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu thu ngân sách năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024. Tỉnh tập trung nguồn lực để giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% kế hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế đô thị, kinh tế vùng, liên kết vùng...
Văn Gia